THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – ĐÔ THỊ SÔNG NƯỚC

0
3026

Thành phố Sài Gòn được xây dựng bên bờ sông Sài Gòn với cảng Bến Nghé tấp nập giao thương nội địa và với nước ngoài, vốn là một đô thị sông nước.


Hệ thống sông nước thiên nhiên của thành phố có sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp, sông Chợ Đệm và những chi lưu như rạch Bến Nghé (quận 1), rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Cầu Bông (quận 3), rạch Lò Gốm (Chợ Lớn), rạch Ong Lớn, rạch Ong Nhỏ, rạch Láng The, rạch Bầu Nông, rạch Tra, rạch Lăng, rạch Cầu Sơn, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), rạch Đĩa, rạch Nước Lên… Ngoài những đường nước như trên, thành phố còn có vùng đất ngập nước Thủ Thiêm ở phía Đông, vùng đất ngập mặn Cần Giờ ở phía Nam.

Mạng lưới sông nước của Thành phố Hồ Chí Minh phong phú không chỉ là do thiên nhiên tạo ra mà còn là thành phẩm lao động của nhiều thế hệ hướng đến sự tôn tạo tính chất sông nước của đô thị này.

1. Những dòng nước được khơi

Con kênh có quy mô đầu tiên tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là kênh Ruột Ngựa, được đào vào năm 1772 để tăng cường chức năng giao thông phục vụ việc buôn bán hàng nông phẩm, nhất là lúa gạo của Vùng đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn. Con đường lúa gạo này cần đến được cảng Bến Nghé để tiếp cận với thị trường trong nước hay nước ngoài. Lúc bấy giờ, con đường thủy cho ghe thuyền từ đồng bằng sông Cửu Long đến Bến Nghé là theo sông Chợ Đệm qua đến rạch Cát, rồi từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm, sau đó mới thông đến rạch Bến Nghé rồi ra sông Sài Gòn. Đoạn từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm không được thông thương lắm, thường xuyên bị ứ đọng. Chúa Nguyễn cho đào kênh giao thông tại đoạn tắc nghẽn ấy. Đốc chiến Nguyễn Cửu Đà là người được giao nhiệm vụ này, đã cho binh lính khai kênh, đóng cừ, nắn thẳng dòng nước, tạo nên được một con kênh thẳng tắp, ghe thuyền có thể qua lại dễ dàng. Kênh được đặt tên là kênh Ruột Ngựa (Mã Trường) vì hình dáng của nó thẳng tắp (Trịnh Hoài Đức, tr.42-43). Việc buôn bán của Sài Gòn nhờ đó ngày càng sầm uất. 

Con kênh có quy mô đầu tiên tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là kênh Ruột Ngựa, được đào vào năm 1772 để tăng cường chức năng giao thông phục vụ việc buôn bán hàng nông phẩm, nhất là lúa gạo của Vùng đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn. Con đường lúa gạo này cần đến được cảng Bến Nghé để tiếp cận với thị trường trong nước hay nước ngoài. Lúc bấy giờ, con đường thủy cho ghe thuyền từ đồng bằng sông Cửu Long đến Bến Nghé là theo sông Chợ Đệm qua đến rạch Cát, rồi từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm, sau đó mới thông đến rạch Bến Nghé rồi ra sông Sài Gòn. Đoạn từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm không được thông thương lắm, thường xuyên bị ứ đọng. Chúa Nguyễn cho đào kênh giao thông tại đoạn tắc nghẽn ấy. Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm là người được giao nhiệm vụ này, đã cho binh lính khai kênh, đóng cừ, nắn thẳng dòng nước, tạo nên được một con kênh thẳng tắp, ghe thuyền có thể qua lại dễ dàng. Kênh được đặt tên là kênh Ruột Ngựa (Mã Trường) vì hình dáng của nó thẳng tắp (Trịnh Hoài Đức, tr.42-43). Việc buôn bán của Sài Gòn nhờ đó ngày càng sầm uất.

Bản đồ sau đây được Trần Văn Học vẽ vào năm 1815, thể hiện hai khu đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn, được bao quanh là Lũy Bán Bích ở phía Tây, rạch Thị Nghè phía Bắc, sông Sài Gòn phía Đông và rạch Bến Nghé chạy dọc ở phía Nam.  Ở Chợ Lớn là kênh Ruột Ngựa, rạch Lò Gốm, chưa có kênh Tàu Hũ:

Tuy kênh Ruột Ngựa đã được đào, nhưng qua đầu thế kỷ 19, việc buôn bán tại vùng Gia Định ngày càng phát triển, rạch Lò Gốm, dòng nước quanh co nối kênh Ruột Ngựa với rạch Bến Nghé không còn đủ sức cung ứng cho lượng ghe thuyền ngày càng đông. Cho nên, năm 1819, vua Gia Long ra lệnh khơi con kênh mới, nối thẳng kênh Ruột Ngựa với rạch Bến Nghé, thuyền bè không đi qua rạch Lò Gốm nữa. Công việc khơi kênh kéo dài đúng ba tháng thì hoàn thành. Con kênh mới được đặt tên là An Thông, tức là kênh Tàu Hũ. Khi John Whiteđến Đàng Trong (tháng 10 năm 1819) cũng là lúc kết thúc việc đào kênh. Ông cho biết, để đào kênh, người ta đã phải cắt rừng, cắt đầm, đã có 26.000 người được trưng dụng, luân phiên làm ngày đêm, 7.000 người chết vì lao lực và bệnh hoạn. Dọc hai bên bờ kênh được đắp thành hai con đường bộ, có hàng cây hoa sứ trồng dọc theo kênh (White, 1824, tr. 237). Con kênh mới này, cùng hai con đường bộ chạy dọc theo nó làm cho giao thông thủy bộ đều thuận lợi, đã giúp cho Chợ Lớn – Bến Nghé phát triển hơn trong việc buôn bán nông phẩm.

Sau đây là bản sơ đồ trinh sát Gia Định (1860) mà quân đội viễn chinh Pháp ghi được trước khi đánh đồn Chí Hòa rồi chiếm thành Gia Định, trong đó thể hiện kênh Tàu Hũ.

Sau khi chiếm được Sài Gòn (1861), người Pháp nghĩ ngay đến việc quy hoạch đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Bản quy hoạch nổi tiếng Koffyn ra đời vào năm 1862. Theo bản quy hoạch này, ngoài đường bộ và các công trình hạ tầng, thành phố còn có một con kênh được đào vòng cung, nối rạch Thị Nghè ở đoạn gần Cầu Kiệu với rạch Lò Gốm để ra kênh Tàu Hũ. Con kênh này được gọi là Canal de Ceinture (kênh Vành Đai), còn gọi là kênh Bao Ngạn.

Năm 1865, quy hoạch Koffyn mới được thực hiện bởi Nghị định 3/10/1865 sau khi người Pháp chiếm được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Trần Văn Giàu, 1987, tr. 230). Theo quy hoạch trên, ba mặt của thành phố đã được bao bọc bằng ba đường nước thiên nhiên là sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé, thì có thêm kênh Vành Đai, thành phố trở thành như một hòn đảo, được nước bao quanh bốn phía. Sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển cho biết có đến 40.000 nhân công được huy động để đào kênh này (Vương Hồng Sển, 1997, tr.135).

Sau đây là bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1892 chứng tỏ con kênh Canal de Ceinture đã được thực hiện. Bản đồ này được lưu trên tường của Bưu điện Sài Gòn từ khi được thành lập cho đến hiện nay.

Để xây dựng trung tâm đô thị Sài Gòn, vào thập niên 1880, người Pháp cho lấp đi những con hào, con kênh nhỏ đã được đào dưới thời chúa Nguyễn trên địa bàn quận 1 hiện nay. Các hào, kênh này vốn là hệ thống phòng thủ của ngôi thành Bát Quái và là đường giao thông thủy từ thành ra rạch Bến Nghé. Các đường nước này mất đi chức năng trên từ khi thành Bát Quái bị san bằng vào năm 1836. Trên hệ thống đường nước ấy là những trục đường bộ quan trọng được xây dựng, là đại lộ Hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi, đường đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay…

Trong khi các kênh, hào không còn chức năng vận tải đã được lấp đi tại Sài Gòn, thì tại ngay tại trung tâm Chợ Lớn,con kênh Hãng Rượu (Canal de la Distillerie) còn gọi là kênh Bonnard (tức là kênh Hàng Bàng)  được đào vào năm 1891, trở thành đường thủy vận tải quan trọng từ rạch Lò Gốm vào trong lòng đô thị Chợ Lớn. Con kênh này, thật sự, đã được quy hoạch từ năm 1874 do nhà trắc địa V. Roger thiết kế Kênh Hãng Rượu nối thẳng con rạch Lò Gốm (đoạn chảy theo hướng Bắc Nam, gần kênh Ruột Ngựa) đến con rạch nhỏ nối rạch Lò Gốm và kênh Tàu Hũ, trong khu vực nội đô Chợ Lớn. Dọc hai bên kênh, bờ Bắc là Bến Hãng Rượu (Quai de la Distillerie) và bờ Nam là Bến Bonnard (Quai Bonnard). Tên Bến Hãng Rượu (Quai de la Distillerie) được đổi là Bến Nguyễn Văn Thành vào thời Việt Nam Cộng Hòa, nay là Bến Phan Văn Khỏe, còn Bến Bonnard được đổi là Bến Bãi Sậy vào thời Việt Nam Cộng Hòa và tên gọi ấy được giữ cho đến nay. 

Ngoài ra còn có con kênh Lò Gốm[1] (Canal des Poteries) ở phía Tây nam của Chợ Lớn, thể hiện rất rõ ở bản đồ 1897. Con kênh này nối thẳng tắp rạch Nước Lên đến ngã ba của rạch Lò Gốm – kênh Ruột Ngựa – kênh Tàu Hũ. Không biết con kênh này được đào vào năm nào, nhưng theo tác giả Vương Hồng Sển thì kênh được đào sau kênh An Thông (Vương Hồng Sển,1997, tr.144), và theo một tác giả người Pháp là Pierre Mille thì kênh được đào trước khi người Pháp đến (Mille, 1903, tr.436). Kênh Lò Gốm ra đời làm cho ngắn đi con đường thủy đi từ rạch Nước Lên đến kênh Tàu Hũ, thuyền bè không phải đi quanh co theo rạch Cát, đến kênh Ruột Ngựa rồi mới ra được kênh Tàu Hũ như trước đây nữa.

Vào đầu thế kỷ 20, trên toàn cảnh Sài Gòn – Chợ Lớn, các con kênh giao thông có quy mô lớn lần lượt được thực hiện. Ở khu vực phía Nam đô thị Sài Gòn, vào năm 1905 con kênh Tẽ Canal de Dérivation) được đào để giảm áp lực vận tải cho rạch Bến Nghé đoạn từ sông Sài Gòn đến cửa rạch Ong Lớn (khu vực cầu Chữ Y hiện nay). Đoạn rạch này luôn luôn có những tàu thuyền lớn, chuyên chở hàng hóa từ rạch Lò Gốm đến Cảng Sài Gòn và ngược lại, bị tắc nghẽn giao thông, nhất là khi triều thấp. Vì thế, con kênh Tẽ được đào. Con kênh có tổng chiều dài khoảng 4.360m. Từ đó, luồng tàu thuyền khi đến vàm Lò Gốm có thể tẽ thành hai nhánh để đổ ra sông Sài Gòn. Kênh Tẽ trở thành tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương giữa Sài Gòn với các nơi khác, ngoài các tỉnh miền Tây còn có các tỉnh ở miền Trung, Bắc Việt Nam.

Bảy năm sau đó, kênh Đôi (Canal de Doublement) được đào. Dù kênh Tẽ giải quyết được hiện tượng ùn tắc thuyền bè ở cửa rạch Bến Nghé, nhưng tàu thuyền vẫn còn nghẽn ở đoạn kênh Tàu Hũ chảy qua Chợ Lớn đến kênh Tẽ. Vì thế kênh Đôi được đào để chia sẻ áp lực tắc nghẽn của kênh Tàu Hũ. Kênh được bắt đầu khơi vào năm 1912 và đến năm 1919 thì hoàn thành, đúng 100 năm sau kênh Tàu Hũ. Kênh Đôi chạy song song với kênh Tàu Hũ, nối Rạch Cát với rạch Bến Nghé (ở đoạn gần cửa rạch Ong Lớn). Con kênh mới này tránh được trung tâm Chợ Lớn, nối với kênh Tẽ để từ đó đưa đường giao thông đến được phía Nam của cảng Sài Gòn. Một số kênh ngang nối kênh này và kênh Tàu Hũ cũng được đào, ngoài các con rạch tự nhiên đã có. Con kênh này và mạng lưới các con kênh ngang, góp phần quan trọng vào hiệu quả của hệ thống giao thông, vận tải đường thủy của Chợ Lớn vào thời ấy.

Có thể cho rằng, sau kênh Đôi, thì không có một con kênh vận tải nào được đào trên địa bàn thành phố nữa. Những con kênh như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai được đào sau này là để tưới tiêu cho đồng ruộng chứ không có chức năng giao thông, vận tải.

2. Những dòng nước bị lấp đi

Vào khoảng những năm 1940, chức năng giao thông được thay thế bởi kênh Hãng Rượu, đoạn đường nước của rạch Lò Gốm từ kênh Vành Đai đến kênh Tàu Hũ đã bị lấp đi, trở thành 1 con đường bộ với tiểu đảo ở giữa, đoạn rạch bị lấp trở thành đại lộ mang tên Boulevard Gaudot, bây giờ là Hải Thượng Lãn Ông. Bắt đầu từ đây, rạch Lò Gốmkhông còn thông với rạch Bến Nghé ở vàm Bến Nghé, chỉ thông với kênh Tàu Hũ ở chỗ giáp với kênh Ruột Ngựa.

Còn con kênh Vành Đai tồn tại cho đến khoảng giữa thế kỷ XX thì bắt đầu bị lấp dần qua hai đợt đô thị hóa cưỡng bức dưới thời kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước (1945-1975). Đây là giai đoạn chiến tranh. Các cuộc chiến và bom đạn diễn ra chủ yếu ở vùng thôn quê nên đã thúc đẩy cư dân vùng nông thôn đến thành phố để lánh nạn. Dân số thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đã tăng nhanh chóng. Dân nhập cư ở mọi nơi, ở những vùng đất trũng hoặc ven nghĩa địa, ven sông, ven rạch. Nhiều đoạn kênh bị lấp đi, trong đó có kênh Vành Đai. Con kênh này dần dần bị lấn chiếm và hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những con đường bộ dài thay cho con kênh cũ. Sau đây là một mảnh cắt từ Bản đồ Đô thành Sài Gòn 1958 cho thấy kênh Vành Đai đã bị lấp mất một số đoạn vào năm 1958. Có thể so sánh vị trí của kênh Vành Đai ngày nay tương ứng với đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5, quận 11), đường Lò Siêu và đường Bắc Hải.

Kênh Hãng Rượu (kênh Hàng Bàng) tồn tại lâu hơn các con kênh trên. Ở bản đồ Đô thành Sài Gòn 1958 được trình bày trong trường hợp kênh Vành Đai bị lấp, con kênh Hãng Rượu này vẫn còn là một dòng nước xanh chảy trong Chợ Lớn nhưng đến cuối thế 20 thì không còn nữa. Dòng nước đã được cho vào cống hộp, tạo mặt bằng đô thị. 1.000 tỷ đồng đã được chi ra để hoàn thành công việc này (Quốc Hùng, 2015). Vào năm 2015, kênh Hãng Rượu, sau 16 năm nằm o ép trong ống cống hộp, được bắt đầu đào trở lại để giải quyết nạn ngập nước trong khu vực và cũng một số kinh phí rất lớn được đưa ra để trả lại sự tự do cho dòng nước.

Sự hiện diện của các dòng nước tự nhiên, sự ra đời của các dòng nước nhân tạo cho thấy từ khi hình thành, thành phố này đã mang tính sông nước rất cao và tính chất này đã được nhiều thế hệ, người tại chỗ cũng như người tứ xứ cùng góp công xây dựng, đem đến cho thành phố một hệ thống kênh rạch độc đáo quý giá. Chúng ta đang sống và làm việc trong hệ thống ấy. Vì thế, trong công cuộc chỉnh trang thành phố, hệ thống ấy cần được chú trọng và phát triển. Bài viết đưa ra một số ý tưởng khả thi sau

3. Một số ý tưởng cho công cuộc chỉnh trang thành phố 

3.1. Phục hồi và tăng cường tính sông nước của thành phố 

Nước làvốn quý của nhân loại và của đô thị. Thế giới tôn vinh nước bằng việc lấy ngày 22 tháng 3 hàng năm làm Ngày Nước Thế Giới và đã có Hội đồng Nước Thế giới (World Water Council) hành động vì bảo tồn, phát triển, quy hoạch nước.

Nước mặt của Thành phố Hồ Chí Minh được hệ thống kênh, rạch chuyên chở len lỏi đến khắp nơi trên địa bàn thành phố. Chúng ta đã hoàn thành việc trả lại dòng nước cho rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé và cũng đang làm hồi sinh con kênh Hàng Bàng, nhưng vẫn còn đó những con rạch, con kênh đang bị chết dần vì rác thải, vì ô nhiễm như rạch Cầu Sơn, rạch Lăng, rạch Long Vân Tự, Rạch Bàu Trâu, rạch Phan Văn Hân, kênh Nước Đen… Đã có nhiều chủ trương, chiến dịch, chương trình bảo vệ dòng nước của Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết này cũng góp phần qua việc nhấn mạnh đến tài sản sông nước mà nhiều thế hệ lao động trước đây đã để lại cho chúng ta. Các thành phố văn minh trên thế giới đều tận dụng lợi thế của dòng nước, để tạo cảnh quan độc đáo cho mình. Trường hợp con suối Cheonggyecheon ở Seoul, vốn đã từng bị lấp từ năm 1968 trong quá trình xây dựng đô thị, đã được đào lên lại vào năm 2005, không những trở thành điểm đến du lịch thú vị của Seoul, mà còn đem đến sự tươi mát cho thành phố; hoặc Paris hào nhoáng với con sông Seine; Amsterdam độc đáo với hệ thống kênh đào… Thành phố Hồ Chí Minh không kém các thành phố kia trên bình diện sông nước, chỉ có điều là chúng ta chưa đối xử đúng với giá trị của nó. Nếu các dòng nước ấy được tái tạo lại màu xanh, với những hàng cây, bãi cỏ, công viên ven bờ thì chúng ta có thể nghĩ đến viễn cảnh về Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị xanh.

Trả lại giá trị cho các con kênh còn là biện pháp chống ngập hữu hiệu. Và, đó là cảm nhận sâu sắc của người dân thành phố: “Nếu phục hồi các hệ thống thoát nước, trả lại dòng chảy cho các con kênh và đừng quá tham lam phát triển đô thị trái với qui luật tự nhiên mà lấp kênh, lấp các vùng nước sinh quyển chứa nước thì thành phố sẽ không bị ngập để phải bỏ hàng núi tiền ra khắc phục.

Một người dân nói: “ Xây dựng hệ thống thoát nước phải phù hợp, phải có tầm nhìn dài hạn cho cả trăm năm…. Bên cạnh đó, muốn không ngập thì phải trả lại nguyên vẹn sông hồ, kênh rạch”.

3.2. Phục hồi và tăng cường chức năng vận tải của các dòng nước 

   Trong quá trình xây dựng đô thị, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thành phố đã phải nhiều lần điều chỉnh hệ thống đường bộ của thành phố. Nhiều đường đang sử dụng được nới rộng, nhiều đường mới được xẻ ra, làm tiêu tốn không những ngân sách của thành phố qua việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, mà cũng làm tiêu tốn diện tích đất vàng đô thị trong điều kiện đất hẹp người đông. Thành phố có hơn 3.380 con đường (kể cả đường có tên và chưa tên) và đến năm 2025 sẽ có thêm chừng 810 con đường. Số lượng khổng lồ của đường bộ thành phố, nói lên phần nào việc chúng ta đã và đang rất chú trọng đến đường bộ trong việc giải quyết giao thông đô thị. Nhưng bên cạnh hệ thống đường bộ khổng lồ ấy, chúng ta vẫn còn có cả một hệ thống đường nước gồm sông, kênh, rạch cũng khổng lồ không kém, mà chức năng vận tải, chuyên chở của hệ thống này dường như chưa có chiến lược sử dụng một cách hệ thống, toàn diện. 

Nếu được chú trọng, được nạo vét, được tôn tạo, được thiết lập bến sông, bến thuyền, điều chỉnh độ tĩnh không chưa hợp lý của một số cây cầu, và nhất là có quy hoạch đồng bộ, khoa học thì những con đường thủy ấy vẫn còn đầy ắp chức năng chuyên chở, cả hành khách lẫn hàng hóa, sẽ san sẻ cùng đường bộ áp lực giao thông của thành phố. Hiện nay thành phố đã có hướng thiết lập 2 tuyến buýt đường sông nội đô nối quận 1 và quận 8 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm nay (2016). Tiềm năng thiết lập các tuyến buýt sông vẫn còn rất nhiều vì hầu hết các con kênh được đào đều có đường bộ chạy song song, có thể kết hợp với buýt đường bộ.

Việc mở mang giao thông đường thủy còn mang đến nhiều lợi ích khác cho thành phố như hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm du lịch đường sông đang bắt đầu hoạt động, hỗ trợ cho việc phòng cháy chữa cháy đô thị và nhất là đem con người thành phố đến gần với với sông nước, với thiên nhiên hơn.

Tôn Nữ Quỳnh Trân 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

Bản đồ, sơ đồ

  1. 1795, Plan de la ville de Saigon, LeBrun (Bản đồ thành phố Sài Gòn), nguồn: Département des Cartes et Plans (Phòng Bản đồ), Thư viện Quốc gia, Paris, Pháp, ký hiệu 80c 99743.
  2. 1815, Gia Định Thành, Trần Văn Học, Nguồn: Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI), tome XXXVII, No 4, 1962, tr.412.
  3. 1860, Saigon 1860 – Lever de reconnaissance – Sơ đồ trinh sát Sài Gòn 1860, Nguồn: Archives d’Outre Mer (Lưu trữ hải ngoại), Aix en Provence, Pháp.
  4. 1862, Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon (Dự án thành phố 500.000 người tại Sài Gòn), Nguồn: Archives d’Outre Mer (Lưu trữ hải ngoại), Aix en Provence, Pháp.
  5. 1874, Plan général de la Ville de Cholon (Bản đồ tổng quát thành phố Chợ Lớn), Nguồn: Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, sốhiệu Cef-M21.
  6. 1897, Saigon, Cholon et leurs environs (Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng phụ cận) do Service du Cadastre et de la Topographie (Sở Địa chính và Địa hình Nam Kỳ) lập và được Nhà xuất bản Andriveau – Goujon – H. Barrère phát hành – Paris, 1897.
  7. 1923, Plan de Saigon – Cholon 1923 (Bản đồ Sài Gòn Chợ Lớn, 1923), Bibliothèque nationale (Thư viện quốc gia), Paris, Pháp.
  8. 1945, Saigon – Cholon, (bản đồ Nhật), Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, ký hiệu Cef-M86A.
  9. 1958, Đô thành Sài Gòn 1958, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2.
  10. Doling, Tim, 09/03/2015, “Icons of Old Saigon – The Canal Bonard, 1893” (Góc Sài Gòn xưa – Kênh Bonard, 1893) từ http://www.historicvietnam.com/canal-bonard.
  11. Quốc Hùng (2015), “Kênh Hàng Bàng lấp rồi đào: Tốn kém vẫn phải làm”, 11/11/2015, từ http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2015/11/402335/.
  12. Mille, Pierre (1903), “Projets de canaux de navigation et d’irrigation en Indo-Chine”, trong Annales de Géographie, năm 1903, Vol 12, số 66, tr.436.
  13. Tôn Nữ Quỳnh Trân (2016), “Les prémisses de l’urbanisation de Saigon – Ho Chi Minh Ville – Empreintes du patrimoine culturel français sur l’évolution urbaine locale (Điểm xuất phát đô thị hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Dấu ấn của di sản văn hóa Pháp trên tiến trình phát triển đô thị tại chỗ), trong tạp chí Faire-savoirs, Patrimoines en devenir, n° 12 – décembre 2015, tr.59-68.
  14. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, bản dịch, tập thượng, Sài Gòn.
  15. Vương Hồng Sển (199, Sài Gòn năm xưa, Nxb.Hồ Chí Minh.
  16. White, John (1824), A voyage to Cochin China, Longman, Hurst, REE, Ormes, Brown, and Green, London.