Phản biện về đề án lắp trạm thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM để tránh ùn tắc, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã có những chia sẻ với Báo Lao Động về những giải pháp mang tính khoa học, thay vì chỉ chăm chăm thu phí.
Bà nhìn nhận thế nào về sự phát triển của khu trung tâm TPHCM hiện nay?
– Phát triển phải có quy luật, đầu tiên là tập trung dân, sau đó là giãn dân ra khu vực ngoại thành. TPHCM quy hoạch chưa tuân theo quy luật này, nên dẫn đến quá tải về dân số và phương tiện ở khu vực trung tâm.
Nghĩa là quy hoạch và phát triển chưa đúng với quy luật chung?
– Đúng vậy. Mật độ xây dựng ở khu trung tâm ngày càng dày đặc với những tòa nhà cao tầng chi chít. Nhiều đô thị lớn trên thế giới thay vì tập trung ở trung tâm, họ xây thêm đô thị vệ tinh.
Ở các nước, họ có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân không?
– Nhiều đô thị lớn trên thế giới như ở Singapore, Anh, Thụy Điện… hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm. Tuy nhiên, họ làm được vì đã có một hệ thống giao thông công cộng quá tốt, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
Đề án thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM cũng đang áp dụng giống họ, thưa bà?
– Tôi lấy ví dụ: Bản thân mình béo ú, nhưng thấy cô gái kia mặc bikini đẹp, nên cũng bắt chước mặc là không nên. Đừng nghĩ họ mặc bikini đẹp thì mình cũng mặc, muốn mặc đẹp thì phải tập luyện giảm béo ú để có thân hình đẹp. Cũng như muốn thu phí để hạn chế ôtô cá nhân, trước hết phải có nhiều phương tiện công cộng tốt để dân lựa chọn.
Có nghĩa là bà không đồng tình với đề án thu phí này?
– Đồng tình sao được khi đề án thiếu tính khả thi, thiếu tính thực tiễn áp dụng vào thực tế. Để giải bài toán ùn tắc ở trung tâm, đáp án không phải là thu phí mà chúng ta phải có giải pháp căn cơ.
Thế giải pháp căn cơ đấy là gì?
– Phát triển ngoại thành với cơ sở hạ tầng tốt, để hút người dân đến, phát triển hệ thống giao thông công cộng tốt, xây dựng đô thị vệ tinh, phi tập trung ở khu trung tâm, nhất là hạn chế xây cao ốc.
Nhưng các nhà đầu tư chỉ muốn xây cao ốc ở trung tâm vì tính sinh lợi cao?
– Thì phải có quyết tâm chính trị vì cái chung, vì lợi ích của toàn dân nên hạn chế cấp phép. Giải quyết được phi tập trung hóa là đã giải quyết được phần gốc của bài toán ùn tắc trung tâm, còn lắp trạm thu phí chỉ là giải quyết phần ngọn.
Người dân thắc mắc việc các tuyến đường ở khu trung tâm đã có hàng trăm năm, sao thu phí?
– Nguyên tắc lắp trạm thu phí là ở các tuyến cao tốc, các tuyến đường xây mới chạy song song với tuyến đường hiện có. Còn các phố nội đô đã có từ hàng trăm năm qua, người dân đã đóng thuế và phí để làm nên tuyến đường đó thì không có lý do gì mỗi lần đi vào lại phải đóng phí, như thế là phí chồng phí.
Đặt trạm thu phí như vậy có ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân không?
– TPHCM là của người dân cả nước chứ không phải riêng ai, nên mọi phương tiện cá nhân đều có quyền đi vào trung tâm để thụ hưởng tiện lợi đô thị. Vì vậy, không thể ngăn sông cấm chợ và có sự phân biệt như thế sẽ mất công bằng.
Nhưng đề án lấy lý do thu phí để hạn chế lượng phương tiện ôtô cá nhân vào gây ùn tắc?
– Trách nhiệm của chính quyền là phải đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông cho người dân đi lại được an toàn. Giải quyết việc ùn tắc là phải có giải pháp mang tính khoa học, chứ không phải là mệnh lệnh hành chính cấm hoặc hạn chế.
Vậy giải pháp khoa học đấy là gì?
– Chúng ta đang tiến tới đô thị thông minh thì nên nghĩ cách làm giảm sự đi lại của dân. Nghĩa là, người dân ngồi tại nhà nhưng vẫn có thể làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục hành chính qua email, qua mạng.
Còn giải pháp nào được xem là khoa học nữa không, thưa bà?
– Một đô thị lớn như TPHCM phải có 4 bậc đường gồm: Dưới mặt đất, trên cao, trên mặt nước và ngầm dưới lòng đất.
Nhưng đề án cho rằng đây là thời điểm hợp lý để thu?
– Nếu cho là thời điểm phù hợp thì phải hội tụ được nhiều yếu tố: Đã có 4 bậc đường như trên, giao thông công cộng tốt, cơ sở hạ tầng ngoại thành tốt…, chứ không chỉ căn cứ vào luật, nghị định và công nghệ hiện có.
Bà muốn gửi thông điệp gì qua đề án này?
– Mọi quy hoạch, mọi đề án đưa ra đều phải đặt lợi ích người dân và phục vụ cái chung lên hàng đầu, nên cần có sự đồng thuận của người dân. Ngược lại, đề án đưa ra chỉ để phục vụ cho một nhóm người hoặc giải quyết lợi ích nhóm thì coi như hỏng.
HUÂN CAO