Du lịch văn hóa và di sản kiến trúc tại Đông Á và Đông Nam Á

0
1811
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc CEFURDS phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc CEFURDS phát biểu khai mạc Hội thảo

(CEFURDS) Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS) tổ chức hội thảo quốc tế về “Du lịch văn hóa và di sản kiến trúc tại Đông Á và Đông Nam Á -Tourisme culturel et patrimoine architectural en Asie de l’Est et du Sud-Est”.

CEFURDS đón năm mới 2011 bằng cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề nêu trên tại Đà Lạt. Ý tưởng về cuộc hội thảo này đã được hình thành giữa đại diện của trường Đại học Marseille 1 Provence (Pháp) là GS. Chantal Zheng với PGS. TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc của CEFURDS khi hai bên gặp nhau tại cuộc Hội thảo quốc tế “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven Đông Nam Á – Trends of urbanization and suburbanization in Southeast Asia” do CEFURDS tổ chức vào năm 2008 tại TP. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc CEFURDS phát biểu khai mạc Hội thảo

Ảnh: Hoàng Trương

Hai bên cùng thống nhất ý tưởng về việc bảo vệ các di sản kiến trúc, nâng cao giá trị của các di sản ấy trong quá trình đô thị hóa. Sau hai năm chuẩn bị, Hội thảo nhận được sự hỗ trợ của Trường Đại học Marseille 1 Provence, của Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu Đô thị (Paddi) và của Đà Lạt CADASA Resort.

Địa điểm mà cuộc hội thảo quốc diễn ra là quần thể biệt thự cổ của Đà Lạt CADASA Resort.  Đây là một cụm biệt thự với những kiến trúc cổ kính đặc thù của miền Bắc Pháp được xây cất trên 100 năm. Nơi đây đã từng là nơi cư ngụ của những chính khách, của những danh sĩ. Hiện nay, cụm biệt thự được trùng tu một cách hài hòa, làm sống lại cái hồn của các biệt thự cổ trong khung cảnh của đồi thông thơ mộng với những lối mòn quanh co tràn ngập hoa và cỏ. Khung cảnh thích hợp với chủ đề bảo tồn di sản kiến trúc đã làm cho hội thảo thêm phần sống động. Nhiều quan điểm được đưa ra, nhiều cuộc thào luận sôi nổi giữa các nhà khoa học như GS John Kleinen (Đại học Amsterdam, Hà Lan), KTS. Christian Pedelahore, (Trường Kiến trúc IPRAUS, Pháp), GS. Jean Baffie (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á IRSEA), GS. Chantal Zheng (Đại học Provence), Nhà nghiên cứu Wen-Tang Shiu (ViệnAcademia Sinica, Đài Loan) PGS. Khay-Thiong Lim (Đại học Chi Nan, Đài Loan), GS. Julio Aramberri (Đại học Hoa Sen), Ngô Viết Nam Sơn (Đại học Hoa Sen), KTS. Nguyễn Hữu Thái, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, TS. KTS Cao Anh Tuấn, ThS. Lý Thế Dân, Ths. Lê Văn Năm, TS Trương Hoàng Trương, ThS. Nguyễn Tấn Tự, nhà Nghiên cứu Nguyễn Quang Giải, Vũ Ngọc Thành …  Hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến di sản kiến trúc với các chủ đề chính như sau:

1/ Vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc, trong đó khái niệm về di sản là một khái niệm động, có biến chuyển theo thời gian từ Hiến chương Venice đến Văn kiện Nara. Bảo tồn là giữ lại triệt để cái cũ hay chỉ giữ trong một chừng mực nào đó mà con người vẫn có thể can thiệp vào để tạo ra dấu ấn thời đại?  Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn di tích một thời có tính thuyết phục, thì ngày nay đã trở nên lỗi thời, là làm đóng băng các di sản và dần dần sẽ hủy hoại chúng. Văn kiện Nara không phủ nhận tính nguyên gốc của di sản văn hóa trong Hiến chương Venice, nhưng văn kiện này nhấn mạnh tính đa dạng văn hóa và đa dạng di sản.

2/ Hội thảo cũng nêu ra tình trạng xuống cấp hoặc bị phục chế thô bạo của các di sản kiến trúc trong quá trình chỉnh trang đô thị. Một số di sản kiến trúc được phân tích cụ thể như ba Nhà hát tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, lâu đài Sultan ở Borneo, các kiến trúc thuộc địa tại TP. Hồ Chí Minh, kiến trúc Công giáo, kiến trúc nhà phố và các kiến trúc truyền thống của Việt Nam như đình chùa, nhà chữ đinh, nhà ba gian hai chái. Tất cả những nghiên cứu trường hợp cụ thể này nói lên tình hình bức xúc của công việc bảo tồn các di sản kiến trúc.

3/ Một chủ đề mới trong lĩnh vực di sản kiến trúc là di sản kiến trúc công nghiệp. Nhiều kiến trúc về nhà máy, xưởng thợ, nơi ghi lại trình độ kỹ thuật của các thời đại đã bị bỏ quên hoặc bị phục chế vô hồn. Bảo tồn là giữ lại triệt để cái cũ hay chỉ giữ trong một chừng mục nào đó mà con người vẫn có thể can thiệp vào để tạo ra dấu ấn thời đại? Đây là vấn đề tranh cãi đã từ lâu và từ Âu sang Á. Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn di tích một thời có tính thuyết phục, thì ngày nay đã trở nên lỗi thời, là làm đóng băng các di sản và dần dần sẽ hủy hoại chúng. Cũng như quan điểm của Hiến chương Venice đòi hỏi việc gìn giữ tính nguyên gốc của di sản nhằm bảo vệ tính chân thực của nó cũng đang được thay thế bởi văn kiện Nara về tính nguyên gốc. Văn kiện Nara không phủ nhận tính nguyên gốc của di sản văn hóa trong Hiến chương Venice, nhưng văn kiện này nhấn mạnh tính đa dạng văn hóa và đa dạng di sản, “tùy theo tính chất của di sản văn hóa, bối cảnh văn hóa của di sản đó và sự biến chuyển của nó trong thời gian mà phán xét về tính nguyên gốc có thể được gắn với một loạt các nguồn thông tin khác nhau.Vì là một vấn đề mới, nhiều câu hỏi còn để mở, đòi hỏi có nhiều nghiên cứu hơn nữa trong tương lai.

4/ Hội thảo cũng bàn đến ảnh hưởng qua lại của du lịch và di sản và nêu lên câu hỏi, du lịch làm tăng giá trị của văn hóa phi vật thể hay có tác động ngược lại là đã du lịch hóa các hoạt động văn hóa, làm cho nó trở thành cứng nhắc, giả tạo?

Cuối cùng, hội thảo nêu lên một ưu tư chung của giới nghiên cứu là tính khả thi của những kết quả nghiên cứu. Những khám phá, những kết quả của lao động nghiên cứu có được ứng dụng vào thực tiễn hay không?  Những thành tựu của giới nghiên cứu không chỉ để phục vụ cho nghiên cừu mà cần được thực tế hóa, để cho mọi nhân tố liên quan như người quyết định chính sách, người dân có thể nắm bắt và tham gia một cách hiệu quả vào việc phát huy các di sản văn hóa cũng như các di sản kiến trúc. 

Tôn Nữ Quỳnh Trân 

Trương Hoàng Trương