Đập cũ, xây mới, nên không?

0
2076

(Lamdongonline) Đô thị hóa đâu có chờ đợi ai, đâu có dừng bước…  Liệu trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” của đô thị, thì các di sản kiến trúc đã ghi lại dấu ấn một thời vẫn được nâng niu, gìn giữ hay tiếp tục bị “trảm” bởi chính các quyết định qui hoạch phát triển?
Đây cũng là một trong những câu hỏi thu hút nhiều ý kiến bàn luận của các học giả tại hội thảo với chủ đề “du lịch văn hóa và di sản kiến trúc ở Đông á và Đông nam á”, do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM và Đại học Aix – Marseille I (Pháp) tổ chức ngay trong không gian Khu bảo tồn kiến trúc biệt thự cổ Cadasa trên đường Trần Hưng Đạo của Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra trong hai 3&4-1 của tuần này. 

 Cả các tham luận trình bày tại hội thảo lẫn trao đổi bên lề đã thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau trước “cơn lốc” đô thị hóa bằng những qui hoạch đô thị hay đường hướng phát triển “nóng”. Giận giữ trước hiện tượng “triệt phá” (Tabula Rasa) di sản kiến trúc, nuối tiếc về những gì giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, thậm chí có những chỉ trích không thương tiếc nhằm vào các quyết định đặt những công trình kiến trúc chọc trời hay những qui hoạch đô thị… Tuy nhiên, cũng không thiếu những giải pháp khả dĩ được đưa ra với hi vọng giữ lại được cái hồn của mỗi đô thị trước làn sóng đô thị hóa như là một điều tất yếu của cuộc sống ngày nay.

TRƯỚC CƠN LỐC ĐÔ THỊ HÓA
Những trao đổi ngay trong tiệc trà giờ giải lao cũng sôi nổi không kém trong khán phòng hội thảo. Tiến sĩ – kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chủ tịch hội đồng thành viên công ty tư vấn thiết kế NVDCO) nói như “đinh đóng cột” rằng bạn thử hỏi bất kỳ ai am hiểu về kiến trúc hay qui hoạch xem họ có khen tòa nhà khách sạn Caraven đặt cạnh Nhà hát TP.HCM hay không? Ông nói sẽ sẵn sàng trao đổi “đến nơi đến chốn” nếu có ý kiến khen ngợi về tòa nhà này…
Bàn về qui hoạch nói chung, ông Sơn cảnh báo tình trạng đập công trình kiến trúc cũ để xây mới trong khi cái mới xây lại không tốt hơn cái đã đập. “Thật là điều đáng tiếc” – ông Sơn cũng đặt ngay một câu hỏi với mọi người chung quanh mà có lẽ chính ông đã có câu trả lời từ lâu:  bạn thử hỏi bất kỳ một ai xem họ thích TP. Đà Lạt với những tòa nhà chọc trời hay một Đà Lạt với những căn biệt thự cổ kính, những khu nhà vườn đầy hoa? Trở lại với TP.HCM, theo ông Sơn nếu cứ rủ nhau xây những tòa nhà chọc trời ở khu trung tâm sẽ phải đối diện với tình trạng kẹt xe kinh khủng khi mà ở đây chưa có hệ thống tàu điện ngầm.
Tiến sĩ – kiến trúc sư Cao Anh Tuấn (ĐH Kiến trúc TP.HCM) xoáy vào yếu tố “hội tụ nhiều nền văn hóa khác nhau trong lịch sử phát triển” của TP.HCM và đây cũng là nơi đang diễn ra tiến trình phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, “vì những bất cập trong qui hoạch và phát triển đô thị đã gây ra nhiều mâu thuẫn bức xúc” – ông Tuấn cũng thẳng thắn “sự lúng túng trong cách giải quyết giữa phát triển và bảo tồn các di sản kiến trúc, giữa vấn đề an sinh xã hội với việc giữ gìn giá trị văn hóa chính là vấn đề nóng hổi mà TP.HCM đang phải đối mặt”.
Ông Tuấn còn chỉ ra trong chiến lược qui hoạch phát triển TP.HCM hiện nay, thì công tác bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị chưa có một định hướng tổng thể và đồng bộ trên diện rộng. Chưa có một giải pháp, thủ pháp chuyên môn cụ thể và chi tiết… Trong khi đó, tham luận của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho thấy những bài học đau xót để lại từ hệ quả của khuynh hướng “triệt phá” (Tabula Rasa) di sản kiến trúc để xây dựng nhà cửa mới được ông đặc biệt nhấn mạnh và tệ hơn là hệ quả của khuynh hướng này làm cho một số quốc gia “chẳng còn cái gì gọi được là bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa”.
Ai cũng biết một Singapore “hoành tráng” với những tòa nhà chọc trời, nhưng theo ông Thái người ta bắt đầu luyến tiếc: giá như họ đã không vội vã “trảm” những khu phố cổ sinh động của Hoa kiều, di dân Ấn Độ, cư dân Mã Lai… thì Singapore có lẽ đã trở thành một thành phố ngã tư đường đa văn hóa tiêu biểu nhất châu Á.
“Phải chăng đây là một kinh nghiệm chua xót để ta rút ra bài học bổ ích, đó là không nên vội vã phá bỏ cái cũ mà làm mất đi cái hồn đô thị” – ông Thái cũng cho rằng “tại Việt Nam tình hình cũng tương tự”. Theo đó, trong cơn lốc đô thị hóa vội vã, “chúng ta đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước”. Thật đáng tiếc nếu các nhà hoạch định chính sách không đưa ra lập tức các chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng cao ốc, nhà phố mới tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử.
Ngoài những biểu thị đồng tình với nhiều ý kiến, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM – muốn lưu ý đến yếu tố mà các đình của TP.HCM bị xâm hại đầu tiên có thể nói đó là khuôn viên, là sân, là mặt bằng, là “một tấc đất tấc vàng”… của vùng đang đô thị hóa. Đình An Hòa (quận 8) bị lấn chiếm quanh vách tường; đình Bình Hòa (Gò Vấp) bị lấn chiếm sân sau cho đến sát vách chánh điện và nhà túc…

 Khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo – Đà Lạt.  

 LỢI ÍCH “TIỀN BẠC” TRƯỚC MẮT HAY GIÁ TRỊ VĂN HÓA?
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói cân đong lợi ích cộng đồng và lợi ích các chủ đầu tư dự án, thì cán cân nghiêng hẳn về nhà đầu tư, có thể lượng định là 90%, họ quyết định luôn cả qui hoạch. Nhà đầu tư xây xong công trình họ bán hết, tiền thì đút túi là yên tâm, trong khi mất mát những giá trị kiến trúc hay xảy ra tình trạng xe cộ kẹt cứng… thì cộng đồng lại lãnh đủ, gánh chịu những thiệt thòi.
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân không tiếc lời cho rằng “…là dấu ấn của thời gian, của lịch sử, mỗi một công trình kiến trúc là tập hợp những thông điệp vô cùng giàu có về bối cảnh xã hội mà nó được khai sinh”. Bởi thế, bà đi đến kết luận “rõ ràng là, mỗi một thời đại đều phản ánh đặc thù của mình qua các công trình kiến trúc”. Theo bà Trân, nhìn lại lịch sử, nhiều công trình kiến trúc đã bị thời gian, hay nói đúng hơn là sự phát triển xã hội làm biến mất (không kể vì chiến tranh, thiên tai). Dường như ai cũng thấy nặng trĩu khi bà Trân cho rằng những gì còn sót lại phần nhiều là ở những nơi nằm ngoài những tác động xã hội con người, của sự phát triển. “Ý thức con người chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, nếu không nói là không có”. Minh chứng cho nhận định này, bà kể cho mọi người cùng nghe về trường hợp phố cổ Hội An, vốn là một thương cảng phồn thịnh, nhưng đến giữa thế kỷ 19, nền kinh tế nơi đây nhanh chóng suy thoái vì dòng sông Hoài bị bồi cạn, nên Hội An chỉ còn là một thị trấn nhỏ, không phát triển được nữa. Và kết luận của bà Trân: “cũng một phần nhờ thế, mà phố cổ Hội An còn tồn tại đến nay và trở thành một di sản văn hóa, kiến trúc quí giá của Việt Nam”. 
Hầu như các học giả có mặt tại hội thảo ai cũng muốn lí giải những câu hỏi nóng bỏng hướng đến sự hài hòa giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, của cộng đồng và của riêng tư: làm thế nào để giữ được cân bằng giữa phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn giữ được cảnh quan kiến trúc đặc thù của một đô thị? Đô thị phát triển đang cần mặt bằng để xây dựng đáp ứng nhu cầu ở, làm việc… Phải giải quyết như thế nào để phục vụ được phát triển, để đô thị theo kịp văn minh thế giới và đồng thời vẫn bảo tồn được di sản của thế hệ đi trước để lại?
Theo PGS.TS Trân, bài toán thường không được giải quyết hài hòa mà phần nhiều là tùy thuộc vào áp lực mạnh hay yếu của mỗi bên liên quan, lợi ích kinh tế hay là giá trị văn hóa. Tình huống này xảy đến không chỉ với các đô thị của các nước đang phát triển mà cả đối với các đô thị của những quốc gia có lịch sử phát triển đô thị từ lâu. Theo đó, năm 2004, Nhà thờ Cologne Cathedral (Đức) – di sản thế giới, có niên đại hơn 800 năm bị lấn át bởi nhà cao tầng được xây dựng quanh đấy. Đã có những ý kiến nên đưa nhà thời này ra khỏi danh sách di sản thế giới để địa phương có thể tự do xây dựng cao ốc. Nhưng chính quyền địa phương đã ra tay qui định giới hạn các tòa nhà xây dựng quanh khu vực nhà thờ và thế là một di sản thế giới được gìn giữ, bảo vệ.
Nhưng không phải trường hợp nào cũng được hành xử như đối với nhà thờ này. “Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp giá trị văn hóa phải nhường bước cho lợi ích kinh tế, nhất là trong quá trình đô thị hóa tự phát. Các ngôi đình của TP.HCM là những trường hợp điển hình của sự yếu thế của các kiến trúc truyền thống trước áp lực kinh tế”, bà Trân nói.
Tuy vậy, không phải không có những giải pháp được đưa ra. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất với TP cần khoanh vùng trung tâm lịch sử cần bảo vệ. Cho rằng đây là điều khó đối với một số nhà hoạch định chính sách vì nếu khoanh vùng “cứng” sẽ thấy vướng víu khi giải quyết một số qui hoạch cụ thể, nhưng ông Sơn quả quyết nếu không làm thì những công trình kiến trúc giá trị, cần gìn giữ sẽ bị “trảm” dần dần, rồi đi đến chỗ xóa trắng, mai đây con cháu chúng ta sẽ không biết cha anh của chúng đã làm những gì để lại cho đời sau. Theo ông, cần mạnh dạn qui hoạch xây dựng ở những khu mới hoàn toàn để đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Đưa ra trường hợp đô thị Hội An, KTS Nguyễn Hữu Thái gợi mở với cuộc sống thường ngày của cư dân phố cổ, những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang được duy trì một cách bền vững, hiện là một “bảo tàng sống” về kiến trúc và lối sống đô thị xưa. “Chính du lịch văn hóa là động cơ chính và yếu tố tích cực bảo tồn di sản kiến trúc khu phố cổ này” – ông Thái cũng đặt vấn đề “phải chăng cuối cùng thì bài toán bảo tồn và phát triển cũng có hướng giải quyết”.
TS.KTS Cao Anh Tuấn chốt lại tham luận với nhìn nhận bảo tồn di sản văn hóa đô thị là giữ lại cái hồn đô thị, là quá khứ, ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, “một đô thị đánh mất di sản chẳng khác nào một con người bị mất trí nhớ” – ông Tuấn ví von, đồng thời cho rằng tuy có quan tâm nhưng TP.HCM đang lo cho tương lai cận kề chứ chưa có tầm nhìn cho tương lai văn hóa đô thị trong tiến trình phát triển. Nói đến bảo tồn di sản kiến trúc đô thị TP.HCM không chỉ đề cập đến một di sản hay một công trình cụ thể mà đó là dự án tổng thể cho cả đô thị. Ông Tuấn kiến nghị việc xác định lộ trình bảo tồn và quản lí quỹ di sản kiến trúc đô thị và việc cài đặt nó trong công tác qui hoạch phát triển là một trong những bước đi đầu tiên có vai trò quan trọng tiên quyết, kết hợp cùng chính sách hợp lí của chính quyền là một tiền đề có ý nghĩa quyết định, đóng góp những giải pháp qui hoạch có tầm nhìn văn hóa cho TP.HCM trong bối cảnh hiện nay.

Hà Nội phát triển đô thị nhưng dấu ấn ngàn năm Thăng Long. Huế phát triển đô thị nhưng vẫn là Huế của lăng tẩm, của dòng sông Hương thuần khiết và thơ mộng. TP.HCM vẫn còn giữ được đặc thù của một Hòn ngọc viễn đông tráng lệ. Cần Thơ vẫn là đô thị mang tính sông nước… “Đó là một phần trong những gì mà các nhà hoạch định chính sách, các nhà bảo tồn, các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu phải tìm ra trong thực tiễn” – PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân gửi gắm, cũng là một trong những điều đọng lại, đáng suy ngẫm nhất khi cuộc tranh luận tạm khép lại.  

Quốc Thanh – Hàng Tình