Góp phần giải bài toán bảo tồn và phát triển: Du lịch văn hóa – yếu tố tích cực giúp bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc

0
2182

Trong cơn sốt phát triển kinh tế và đô thị hóa, các thành phố châu Á đã hủy hoại khá nhiều di sản kiến trúc. Cả chục năm qua, mâu thuẩn đã thực sự nổ ra giữa một bên là những người làm công tác văn hóa, bảo tồn có tiếng nói rất yếu ớt và bên kia là các nhà hoạch định kinh tế, quản lý đô thị với sự hậu thuẩn mạnh mẽ của những thế lực đầu cơ bất động sản, khai thác địa ốc và đầu tư nước ngoài. Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thị trường cũng không ra khỏi ngoại lệ, mà có lẽ còn tệ hại hơn do vẫn còn nằm ở giai đoạn tranh tối tranh sáng hỗn độn chuyển tiếp từ kinh tế hoạch định sang kinh tế thị trường. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là điển hình mâu thuẩn đó. Phải chăng bài toán bảo tồn và phát triển cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. 

Nội dung tham luận muốn chứng minh điểu ngược lại, sẽ bàn mấy  vấn đề sau đây:

-Hiện tượng “Tabula Rasa” khắp châu Á

-Làm sao để di sản không bị “đóng băng”?

-Du lịch văn hóa có thể là yếu tố tích cực giúp bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc  

Hiện tượng “Tabula Rasa” (triệt phá) khắp châu Á  

Trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã nổ ra không ít tranh luận giữa một bên mong muốn bảo tồn cái cũ và bên kia là phá đi để có chỗ xây dựng cái mới. Các nhà quản lý đô thị và kinh tế thường mắng mỏ: Các nhà văn hóa, nghiên cứu kiến trúc các ông thì nhìn ở đâu cũng thấy vốn quý di sản cần bảo tồn, vậy còn đâu ra chỗ để xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế đất nước! Đến các khu trung tâm Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh, và thậm chí ở Huế, Đà Lạt ta cũng nghe không ít lời trách cứ tương tự của các nhà đầu tư địa ốc nóng lòng muốn xây dựng nhà cao tầng khi họ gặp phải phản ứng của các nhà bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc.

Trong lúc đó, tại các cuộc hội thảo văn hóa các nhà nghiên cứu lịch sử và bảo tồn đã thốt lên không ít lời than vãn và báo động. Mũi dùi phê phán không chỉ nhắm vào các nhà quản lý đô thị và kinh tế mà nhắm cả vào chính những người đang đảm nhiệm công tác bảo tồn di sản thiếu hiểu biết và ý thức ở các địa phương.

Không phải chỉ ở Việt Nam, mà ngày nay ở khắp châu Á khuynh hướng Tabula Rasa di sản kiến trúc để xây dựng nhà cửa mới tuy hiện đại nhưng vô cảm bị lên án khắp nơi. Singapore nay hối tiếc đã vội vã loại bỏ di sản để hiện đại hóa. Trung Quốc bức xúc trước làn sóng công trình hậu-hiện đại lấn át di sản…

Kể từ khi lập quốc từ đầu những năm 1960, quy hoạch đô thị Singapore đã từng rập khuôn theo mô hình hiện đại phương Tây. Người ta đã tiến hành kế hoạch triệt phá, không quan tâm đến phần lớn các công trình cổ và các công trình hiện có nhắm xây dựng công trình mới đáp ứng yêu cầu của một trung tâm thương mại-tài chính quốc tế khu vực. Kết quả là Singapore chẳng còn cái gì gọi được là bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa, ngoài vài công trình thuộc địa Anh, phố Tàu, phố Ấn Độ, phố Á rạp quy mô nhỏ. Thành phố có lúc bị đánh giá là “tổng của một trăm chỗ định cư của những người sống lưu vong”.

Tuy ai cũng nhìn nhận Singapore thành công xây dựng một đảo quốc giàu có và tiên tiến vào bậc nhất, vậy mà xét về mặt văn hóa và bản sắc, Singapore vẫn là một thành phố hiện đại vô hồn và khá lạc lỏng giữa bối cảnh châu Á. Người ta bắt đầu luyến tiếc: Giá như họ đã không vội vả hủy hoại những khu phố cổ sinh động của Hoa kiều, di dân Ấn, cư dân Mã Lai… thì Singapore có lẽ đã trở thành một thành phố ngã tư đường đa văn hóa tiêu biểu nhất châu Á vậy. Phải chăng đây là một kinh nghiệm chua xót để ta rút ra bài học bổ ích, đó là không nên vội vả phá bỏ cái cũ mà làm mất đi cái hồn đô thị.

Tại Việt Nam tình hình cũng tương tự. Trong cơn lốc đô thị hóa vội vã, chúng ta đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. Thật đáng tiếc nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra lập tức những chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng công trình cao tầng hoặc nhà phố mới, tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn di sản kiến trúc do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển tổ chức (1/2011) 

Làm sao để di sản không bị “đóng băng”? 

Trước những nguy cơ hủy hoại di sản đáng báo động đó, những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa khách quan vẫn không bi quan cho rằng luôn có mâu thuẩn giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Trái lại, kinh nghiệm cho thấy có thể dung hoà bảo tồn và phát triển, nếu biết hỗ trợ, bổ sung nhau, đào sâu nhận thức, tìm ra giải pháp thỏa đáng, thì có thể biến di sản thành tài nguyên quý phục vụ phát triển.

Ở Việt Nam từ năm 2001 đã có luật về di sản văn hóa để làm cơ sở pháp lý, ngoài ra chúng ta cũng đang tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Các thông lệ quốc tế thường dựa vào văn kiện tiêu biểu là Hiến chương Venice 1964 với sự xác nhận của Công ước về di sản văn hóa thế giới của UNESCO 1972, sau này được bổ sung Văn kiện Nara 1994.

Hiến chương Venice đòi hỏi việc gìn giữ tính nguyên gốc của di sản nhằm tránh làm sai lạc các chứng cứ lịch sử và khoa học. Sở dĩ hiến chương nhấn mạnh điều đó là do phương Tây đã trải qua kinh nghiệm phục hồi chua xót di sản vào thời Phục Hưng, đã từng tùy tiện nâng cấp cải tạo hoặc trùng tu thêm thắt theo phong cách mới của thời đại hoặc thị hiếu cá nhân. Tuy nhiên, gần đây nhiều hội nghị quốc tế đã chỉ ra rằng Hiến chương Venice nay đã phần nào lỗi thời trong quan niệm “giữ gìn nguyên gốc” và hướng sang đề cao Văn kiện Nara.

Nhật Bản từng có thông lệ từ thế kỷ thứ 7 là cứ 20 năm họ tiến hành trùng tu các công trình tôn giáo Thần đạo tại khu Ise truyền thống. Điều này rõ ràng là không phù hợp với tinh thần châu Âu của Hiến chương Venice. Vì vậy mà vào năm 1994, các chuyên gia đầu ngành bảo tồn di sản của các tổ chức quốc tế và 25 nước đại diện các châu lục đã họp tại thành phố Nara đề ra các điều bổ sung mới về tính nguyên bản của di sản. Nghĩa là phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm…

Hiện nay, thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các qui định mới, nhằm biến di sản văn hóa sinh động hơn và không “đóng băng” chúng trong thời kinh tế thị trường. Sự kiện này mở đường cho tính hấp dẫn của ngành du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa – yếu tố tích cực giúp bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc   

Sau đây là một số ví dụ cụ thể chứng minh rằng bảo tồn không phải là “đóng băng” di sản, vì ngoài việc giữ gìn được bản sắc cho đô thị, bảo tồn di sản kiến trúc còn là một nguồn thu nhập lớn, làm giàu cho thành phố nếu chúng ta biết sử dụng chúng. Du lịch văn hóa trở thành yếu tố góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản kiến trúc.

Khu phố cũ Xin Tian Di (Tân Thiên Địa) ở Thượng Hải trước đây với những nóc nhà thấp lè tè, sau khi được cải tạo đã trở thành một trong những khu vực đóng góp nhiều nhất cho thu nhập của thành phố nhờ thu nhập về tham quan du lịch. Đây là khu vực cấm xe hơi, dành cho người dân đi bộ mua sắm, giải trí và ăn uống, yên tĩnh, so ra rất khác các khu vực náo nhiệt của Thượng Hải. Nhà cửa, đường sá đặc biệt vẫn giữ nguyên kiểu xây dựng bằng đá truyền thống “shikumen” (thạch quật môn). Các dãy nhà ống cũ nay cải tạo lại thành quán hàng, tiệm ăn, câu lạc bộ ca nhạc rất sinh động. Địa điểm này từ gần 20 năm qua trở thành khu giải trí cuối tuần “hot” nhất Trung Quốc ngày nay.    

Xin Tian Di cũng nổi tiếng với Nhà lưu niệm cuộc họp đầu tiên khai sinh Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1921.

Trong cơn sốt xây cất mới những năm 1990, chính quyền Thượng Hải đã khôn ngoan chấp nhận phương án bảo tồn, thay vì san phẳng để xây cao ốc.

Phố cổ Hội An là điển hình địa chỉ văn hóa du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, nơi mà các công tác nghiên cứu cơ bản, giám sát, phản biện, phổ cập ý thức trong nhân dân về di sản được những nhà quản lý đô thị địa phương tiến hành khá tốt ngay từ đầu. Năm 1999, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đây là một khu phố được hình thành từ thế kỷ 16-17, trước đây là thương cảng của miền Trung. Đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình như nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.

Cuộc sống thường ngày của cư dân Hội An với những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang được duy trì một cách khá bền vững, hiện là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị thời xưa. Chính du lịch văn hóa là động cơ chính và yếu tố tích cực bảo tồn di sản kiến trúc khu phố cổ này.

Phải chăng cuối cùng thì bài toán bảo tồn và phát triển cũng có hướng giải quyết. Du lịch văn hóa ngoài việc giúp nâng cao trình độ văn hoá, làm phong phú đời sống văn hoá của người dân, cũng góp phần rất tích cực trong việc bảo tồn và khuếch trương di sản, thu lợi kinh tế. 

KTS.Nguyễn Hữu Thái