Giới thiệu

0
2671

MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG

Trung tâm Nghiên cứu Đô thị & Phát triển được thành lập vào ngày 24.4.2000 (Quyết định số 0063/KHCN) là một tổ chức khoa học được thành lập theo Nghị định 35-HĐBT về công tác quản lý khoa học của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hoạt động theo luật Khoa học và Công nghệ. Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển là một tập hợp một bộ phận cán bộ khoa học liên ngành và ứng dụng. Các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của trung tâm mang tính chất ứng dụng, nhằm áp dụng những thành tựu của ngành khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn cuộc sống, vào việc xây dựng và phát triển đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững.

Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Đô thị & Phát triển tập trung vào các vấn đề đô thị và phát triển bền vững. Đô thị được nghiên cứu trên góc độ Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong chiến lược lấy con người làm trung tâm cho phát triển, trong bối cảnh truyền thống và hiện đại. Việc nghiên cứu vấn đề phát triển bền vững dựa trên cơ sở phát triển không những cho thế hệ hiện tại mà còn phải cho thế hệ tương lai, đáp ứng các yêu cầu kinh tế lẫn bảo vệ môi trường, hài hòa giữa hiện đại hóa và việc giữ gìn các giá trị truyền thống.

Đối tượng thụ hưởng của các hoạt động của Trung tâm là cư dân đô thị, trong đó chú trọng đến người nghèo đô thị, người thất nghiệp, phụ nữ và trẻ em vì họ là thành phần nhạy cảm nhất trước áp lực của các chuyển động nhanh chóng của môi trường đô thị đang phát triển. Chú trọng vào các vấn đề thiết thực như hướng nghiệp, lao động việc làm, hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả, nâng cao mặt bằng dân trí, giáo dục trẻ em, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, xây dựng cuộc sống văn minh đô thị.

NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Về nghiên cứu

  • Lập dự án nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đô thị và phát triển,
  • Nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu ứng dụng với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước về các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến đô thị và phát triển,
  • Đào tạo kỹ năng điều tra nghiên cứu trong các lĩnh vực trên,
  • Dự báo những khả năng phát triển và đề xuất với Nhà nước những biện pháp phục vụ cho phát triển.

           Về dịch vụ

  • Điều tra về lĩnh vực kinh tế và xã hội cho các dự án đô thị,
  • Tư vấn về lĩnh vực xã hội và nhân văn cho các quy hoạch phát triển đô thị,
  • Tham gia thực hiện dự án trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, hướng nghiệp, nâng cao mặt bằng dân trí cho người nghèo, phụ nữ,
  • Tổ chức các tọa đàm khoa học chuyên đề,
  • Đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu, điều tra cho các cơ quan và các cá nhân có yêu cầu.

 TÊN GỌI, ĐỊA CHỈ

  • Tên: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ĐÔ THỊ VÀ PHÁT TRIỂN
  • Tên đầy đủ và tên viết tắt bằng tiếng nước ngoài: Center for Urban and Development Studies (CEFURDS)
  • Địa chỉ trụ sở: 568/8 Trần Hưng Đạo, Phường 2, quận 5 TP. Hồ Chí Minh
  • Website: http://www.cefurds.com
  • Số điện thoại: 84 8 38366397 – 0913 734 132; Email: quynhtran@hcm.fpt.vncefurds@yahoo.comcefurds568@yahoo.com

 ĐĂNG KÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: 

Số:63/ĐK-KHCN, cấp ngày 24 tháng 04 năm 2000 

TRỤ SỞ

Trụ sở có diện tích sử dụng 160m2 với hệ thống máy vi tính, điện thoại, máy in, máy photocopy, internet, xe ôtô.

TỔ CHỨC

Trung tâm hoạt động độc lập, có văn phòng riêng, có tình trạng pháp lý, có con dấu và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho hoạt động của mình.

Chương trình của Trung tâm là tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ, hợp tác với các tổ chức, các cơ quan trong nước và ngoài nước theo quy định của chính phủ.

Trung tâm có một Ban Giám đốc, một văn phòng và hai Ban chuyên môn;

  • Ban giám đốc chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý tất cả các hoạt động của Trung tâm để thực hiện có hiệu quả các mục đích, chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm.
  • Văn phòng có trách nhiệm về công tác văn thư, kế toán, lập hồ sơ và bảo quản vật liệu, thư viện, các hoạt động kỹ thuật của Trung tâm và chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Giám đốc. Hai ban chuyên môn phối hợp với nhau trong hoạt động, và có trách nhiệm đối với các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ:

1. Ban Nghiên cứu có trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến nghiên cứu và hợp tác với các tổ chức, cá nhân (theo quy định của Chính phủ) trong nước và ở nước ngoài.

2. Ban Dịch vụ thực hiện các cuộc điều tra và ứng dụng của các dự án, đánh giá các dự án phát triển, cung cấp thông tin và các tài liệu, phối hợp với Ban Nghiên cứu để thực hiện công việc tư vấn trong các dự án phát triển đô thị, thúc đẩy sự tăng cường các kỹ năng điều tra, nghiên cứu và tổ chức hội nghị chuyên đề.

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Vốn của Trung tâm là vốn tư nhân.

Trung tâm hoạt động trên cơ sở tài chính có hạch toán sổ sách, chứng từ theo quy định. Thu nhập của các Trung tâm xuất phát từ:

  • Hợp đồng các dịch vụ,
  • Tổ chức các hội nghị chuyên đề.
  • Ứng dụng các dự án nghiên cứu,
  • Đóng góp và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân (nếu có) trong nước và ở nước ngoài.
  • Các chủ trương về kế toán tài chính của Trung tâm được xác định và thực hiện bởi Giám đốc của Trung tâm trên cơ sở pháp luật hiện hành.

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

A. NGHIÊN CỨU

Một số đề tài, đề án tiêu biểu như sau: 

  1. Đề án “Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP. Hồ Chí Minh – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”, đề áni đặt hàng của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh quản lý, đã nghiệm thu cấp cơ sở tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 2013, hoàn thành vào tháng 12 năm 2014.
  2. Đề tài: “Thanh niên vùng đô thị hóa và vấn đề việc làm – Trường hợp TP. Hồ Chí Minh”, nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tháng 1/2013. 
  3. Đề tài: “Phát triển không gian đô thị của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thể hiện qua các bản đồ (từ thế kỷ XVIII đến 2005)”, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, nghiệm thu năm 2013. 
  4. Dự án: “Tracking Development – Diverging Paths to Prosperity and Poverty: Southeast Asia and Sub-Saharan Africa in comparative perspective”, điều phối trong nước với The Royal Netherlands Institute of Southeast Asian and Caribbean Studies (2006 – 2011).
  5. Đề tài “Xây dựng mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đặc thù của TP. Hồ Chí Minh với vai trò một đô thị trực thuộc Trung ương” thuộc đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đặc thù của các đô thị trực thuộc Trung ương ở nước ta” – Mã số KX 02.03/06-10, hợp tác với Viện Việt Nam học và Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nghiệm thu cùng với đề tài chính, Hà Nội, năm 2010.
  6. Tô chức hội thào khoa học quốc tế Trends of Urbanization and Suburbanization in Southeast Asia, vào ngày 8-11 tháng 12 năm 2008, phối hợp với Unité Mixte de Recherche 151 IRD (UMR), University of Provence (France).
  7. Đề tài: “Các vấn đề về đời sống của cư dân vùng đô thị hóa tại TP. Cần Thơ – Thực trạng và giải pháp tương thích”, nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ năm 2009.
  8. Đề tài: L’urbanisation et les transformations des structures professionnelles dans les milieux rapidement urbanisés au sud – les cas de Ho Chi Minh Ville), “Đô thị hóa và sự biến đổi cơ cấu nghề nghiệp vùng đô thị hóa nhanh các thành phố lớn ở Nam bộ – trường hợp TP. Hồ Chí Minh” đề tài do Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ, đã nghiệm thu thu vào ngày 18/1/2008 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  9. Đề tài: “Vấn đề phát triển đô thị bền vững tại TP. Hồ Chí Minh – đối chiếu kinh nghiệm từ một số thành phố lớn ở Đông Nam Á”, nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2004. 

B. ĐÀO TẠO 

Hợp tác với trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng từ năm 2006, thành lập khoa Quản lý đô thị, có khoảng 300 sinh viên, đào tạo chính quy các cử nhân quản lý đô thị. Khóa đầu tiên ra trường từ tháng 5 năm 2010.

C. HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN 

  • Tư vấn cho Hãng AGRIFOR Consult SA, Parc CREALYS, 14 Rue L. Genonceaux, B-5032 Les Isnes, Bỉ, trong Đánh giá giữa kỳ đối với Dự án Urban Environmental Planning, 7/2007.
  • Tư vấn cho hãng ASCONITConsultants, Parc Scientifique Tony Garnier, 6-8 Espace Henry Vallée, 69 366 Lyon cedex 07, Pháp,trong việc sưu tầm tư liệu về môi trường, kinh tế xã hội (ESBS) và nghiên cứu tác động địa chấn (ESIA) vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 2/2009.
  • Tư vấn cho hãng CARO SARL, Local Government Consulting, 9 rue du petit Bièvres, F 91570 Bièvres, Pháp, trong đề án Nghiên cứu về các đô thị lớn Việt Nam, 9/2009.
  • Đối tác tư vấn cho hãng NODALIS Conseil trong đề án Nghiên cứu Khả thi vốn vay của French Development Agency (AFD) cho các Quỹ Đầu tư và Phát triển Đà Nẵng và Cần Thơ, 4/2010. 

 THÀNH VIÊN VÀ CỘNG TÁC VIÊN CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ĐÔ THỊ VÀ PHÁT TRIỂN                                                                                     

  1. Lê Tú Cẩm, Thạc sĩ về Quản lý hành chính                                             
  2. Lê Văn Năm, Thạc sĩ Xã hội học  (Phó giám đốc)                                         
  3. Nguyễn Công Bình, Giáo sư Sử học                                                               
  4. Nguyễn Đăng Sơn, Kỹ sư Xây dựng                                                               
  5. Nguyễn Quang Vinh, Giáo sư Xã hội học                                                         
  6. Nguyễn Thị Thanh Bình, Thạc sĩ Kinh tế 
  7. Nguyễn Trí Nhân, Thạc sĩ Ngôn ngữ học
  8. Phan Huy Xu, Giáo sư Địa lí
  9. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học (Giám đốc)
  10. Trần Anh Tuấn, Tiến sĩ tài chính, ngân hàng
  11. Trần Duy Thanh, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh
  12. Trần Hồi Sinh, Tiến sĩ kinh tế                                                                            
  13. Trần Thị Kim Xuyến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Xã hội học
  14. Trần Văn Thành, Thạc sĩ Địa lý Môi trường                                                   
  15. Trương Hoang Trương, Tiến sĩ Xã hội học đô thị
  16. Nguyễn Quang Giải, Thạc sĩ Xã hội học
  17. Vũ Ngọc Thành, Cử nhân Sử học
  18. Diệp Quý Ngân, Cử nhân Quản lý Đô thị