Làng nghề thủ công truyền thống

0
5852

Làng nghề thủ công truyền thống là vốn quý của xã hội.

Khi nói đến làng nghề, người ta nghĩ đến những làng nghề có bề dày phát triển rất lâu đời ở Bắc bộ như làng Bát Tràng, làng Ngũ Xã, làng Kiêu Kỵ… Vậy Sài gòn – TP. Hồ Chí Minh chỉ mới xây dựng trong 300 năm nay thì liệu có được những làng nghề truyền thống hay không? Những nghề thủ công, ngay từ buổi bình minh của vùng Bến Nghé, đã từng là hoạt động sản xuất thiết yếu của lưu dân. Những nghề thủ công ấy, bên cạnh nông nghiệp, đã góp phần tạo nên bước đầu của nền kinh tế Sài Gòn xưa. Trong quá trình tồn tại và lao động, những người thợ thủ công có nhu cầu chung lưng đấu cực, giúp đỡ nhau ở miền đất mới đã tập hợp lại với nhau, tạo thành những nơi tập trung các hoạt động của cùng một nghề hay những nghề liên quan rồi dần dần trở thành những làng nghề thủ công. Sự xuất hiện các làng nghề là biểu hiện sự phát triển của nghề trong những điều kiện đặc biệt về vật chất và con người. Đó là sự xuất hiện những cộng đồng dân cư có sắc thái văn hóa, kinh tế khác với nông dân. Những cộng đồng này góp phần vào tiến trình phát triển lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, dù là vùng đất mới, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh vẫn có những làng nghề thủ công truyền thống hình thành từ nguồn lao động, tay nghề tại chỗ hay do nguồn lực ngoại sinh hòa nhập vào yếu tố nội sinh tạo nên nét đa dạng của nghề thủ công ở thành phố.

Làng nghề thủ công truyền thống là những cộng đồng độc đáo có chất kết dính là nghề nghiệp, là nơi tồn tại của một sức sống, một tinh hoa của địa phương, ở nội thành hay ngoại thành. Tinh hoa của nghề nghiệp đã được giữ kín và truyền lại của nhiều thế hệ, từ những lưu dân khi mới đến khai phá vùng đất Gia Định cho đến những con người Sài Gòn và nay là cư dân TP. Hồ Chí Minh.

Làng nghề thủ công truyền thống còn là nơi biểu hiện cao của hiện tượng tiếp biến văn hóa, là nơi tiếp nhận những tinh hoa của miền Bắc, miền Trung, của cả yếu tố ngoại sinh, kết hợp với sự sáng tạo và bao dung tại chỗ.

 Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố, các nghề và làng nghề thủ công của thành phố đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện tượng mất làng đã từng xảy ra liên tục trong lịch sử và chắc chắn là đang và sẽ xảy ra. Làng đúc Nhơn Giang ở Chợ Quán (Q.5) nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX là một trường hợp. Đó là ngôi làng đẹp nhất ở Sài Gòn, có chất lượng cuộc sống cao, nhưng nay chỉ còn là dĩ vãng. Sau Nhơn Giang là những làng khác và gần chúng ta nhất là trường hợp của các làng nghề của xóm Gốm, làng Đệm, làng chiếu Bình An, dệt Chăm quận 8, làng nem Thủ Đức…

Để giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề thủ công truyền thống, Chỉ thị 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10.01.1993 đã ghi: “ Đầu tư 100% cho việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hóa tinh thần…, giữ gìn các nghề thủ công truyền thống…”. Trong những năm gần đây, vấn đề làng nghề càng được chú ý bởi tính hiệu quả trong kinh tế cũng như những giá trị trong văn hóa của nó, và đã trở thành một trong bốn giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn trong 10 năm tới.

Quyển sách Làng nghề thủ công truyền thồng tại TP. Hồ Chí Minh đã được Bảo tàng Thanh phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển xuất bản là kết quả lao động nghiêm túc đầy tâm huyết của Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân cùng nhóm tác giả, với mong muốn góp phần của giới nghiên cứu khoa học vào việc bảo tồn di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Sách Làng nghề thủ công truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh thật sự có giá trị cả về văn hóa lẫn kinh tế.

PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân


TRÍCH NHẬN XÉT CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC       

–   Các tác giả đã sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn (trong nước, nước ngoài, xưa, nay) để phác thảo lên hình ảnh về nghề và làng nghề thủ công của Sài Gòn xưa, đặt vị trí làng nghề thủ công hiện nay như là một vạch nối của truyền thống.

–         Các tác giả nêu bật ra vai trò quyết định của ba yếu tố chuyên nghiệp, cơ khí hóa và tính linh hoạt đối với sự sống còn và phát triển của làng nghề thủ công. Việc đánh giá các yếu tố ấy có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng đây là một đóng góp mới mẻ, có thể dùng làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn nữa về sau này.

(Giáo sư Nguyễn Công Bình)

–         Các tác giả đã dấn thân vào một quá trình nghiên cứu kiên nhẫn và có bài bản, đem đến cho chúng ta một công trình khoa học khá đồ sộ và có giá trị về nhiều mặt.

–         Các tác giả đã thành công trong việc xác định một phương pháp luận tiếp cận vấn đề đúng đắn; vận dụng có cân nhắc các phương pháp kiểm kê, khảo tả, thống kê và đối chiếu trên biểu đồ. Họ đã phân tích các chiều cạnh đa dạng của cộng đồng làng nghề thủ công truyền thống một cách chi tiết, nhưng vẫn không để mất đi tính toàn vẹn của một cộng đồng sản xuất và sinh hoạt sống động trong kết cấu một đô thị đang biến đổi nhanh.

–         Trong khi thực hiện kiểm kê và khảo tả, các tác giả đã có một thao tác kỹ thuật rất tốt và có hiệu quả cao là xác lập ngay từ đầu, cho các nhóm nghiên cứu khác nhau, một khung sưu tầm và hệ thống hóa dữ liệu thống nhất, nhờ đó mà có thể bảo đảm tính nhất quán khi đi tìm các biến số, các tiêu chí sử dụng cho các thao tác phân tích tương quan về sau.

–         Các tác giả đã không né tránh việc nghiên cứu và phân tích thế đứng và triển vọng của các làng nghề thủ công truyền thống đối diện các thách thức rất “bão táp” của đô thị hóa. Các phân tích tỉ mỉ từ dẫn liệu thực tế, gắn với các loại hình làng nghề phát triển tốt, ổn định, cầm chừng, hoặc có nguy cơ lụi tàn, hoặc đang lụi tàn v.v… cho thấy những kết luận về triển vọng một số làng nghề truyền thống là có cơ sở chứ không phải là một suy diễn tùy tiện, chung chung.

–         Hệ thống bản đồ, bảng biểu, ảnh tư liệu đã được các tác giả gia công thích đáng. Các dẫn chứng từ văn kiện lịch sử đều được dẫn từ văn bản gốc một cách nghiêm túc và đúng quy cách.

(Nguyễn Quang Vinh, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp)

–         Đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, có bố cục hợp lý, rõ ràng, thể hiện chân dung làng nghề thủ công truyền thống tại Thành phố khá rõ nét; nội dung phong phú, sinh động có sức thuyết phục người đọc. Tập thể tác giả đã có một quá trình lao động khoa học và tâm huyết để hoàn thành công trình và đã đạt được những yêu cầu đề ra.

(TS. Nguyễn Thành Rum)