Phát triển công trình xanh: dễ & khó

0
1788

Đô thị sinh thái chính là mục tiêu phát triển lâu dài của thế giới. Việt Nam cần nhanh chóng lồng ghép, thống nhất các chương trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển… để đạt được các tiêu chí thành phố xanh, nâng tầm lên tới mức sinh thái nhằm hoàn thiện các yếu tố bền vững cho phát triển kinh tế, giữ gìn tài nguyên, môi trường cho các thế hệ tương lai. Mặc dù đã có công cụ đánh giá nhưng thời điểm phát triển mạnh của những công trình xanh còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. Một số nghiên cứu tính toán khí hậu với công trình cho thấy, nếu không có hệ thống công cụ riêng phù hợp với Việt Nam thì có thể sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí vào các thành tố đóng vai trò thứ yếu trong tiết kiệm năng lượng công trình.  



Trường học xanh – Tp Seoul, Hàn Quốc 


PHÂN BIỆT CÁC KHÁI NIỆM ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 

Hiện nay tại Việt Nam, các khái niệm kiến trúc xanh, công trình xanh, xây dựng xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái… đang là những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi, tuy vậy vẫn tồn tại nhiều cách hiểu và quan điểm riêng. Trong thời điểm hiện tại, để có hướng phát triển đúng hướng, cần phân biệt rõ và xác định ý nghĩa đầy đủ với cả 3 khái niệm: Green Building – Eco – Sustainable(công trình xanh – sinh thái – bền vững). 

Về bản chất, các cách gọi trên đều có xu hướng nhắm tới một điều gì đó mang tính hợp lý, tiết kiệm, tạo nên sự bền vững và lợi ích lâu dài. Vì vậy khái niệm bền vững có lẽ là cái gốc chung cho tất cả những khái niệm trên. Định nghĩa về phát triển bền vững được đưa ra vào năm 1987, được Ủy ban Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển thế giới định nghĩa “Phát triển bền vững” là quá trình thay đổi mà tại đó sự khai thác tài nguyên, phương hướng đầu tư, định hướng phát triển kỹ thuật và sự thay đổi thể chế đều hài hòa và làm nâng tầm cả hiện tại lẫn tiềm năng tương lai để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của con người.

Khái niệm thiết kế đô thị bền vững (sustainable urban design) là một phần của mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững nêu trên. Cũng từ đây, khái niệm phát triển bền vững bắt đầu phổ biến và phát sinh thêm các tên gọi khác, đặc biệt là các yếu tố nằm trong đô thị, như công viên, các tòa nhà, xe ô tô, thực phẩm… Tất nhiên trong đô thị, các công trình xây dựng chiếm một phần đặc biệt quan trọng. Cùng với thành phố, đây là thành phần được mang nhiều tên gọi mới nhất theo hướng phát triển bền vững.

Như vậy, về bản chất chung đều đề cập tới vấn đề bền vững, tất nhiên người không phải chuyên ngành có thể hiểu theo nghĩa bền chắc, khó bị phá hủy. Cũng như vậy, với kiến trúc xanh, có thể bị hiểu nhầm thành công trình hay đô thị có nhiều màu xanh, nhiều cây xanh, thậm chí là sơn màu xanh. Khái niệm sinh thái dường như là khó hiểu nhất và có lẽ hơi khác một chút so với các khái niệm bền vững hay xanh. Công trình sinh thái (Eco Building) thường được nhắc tới khi nó xây dựng từ những vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên và ít trải qua các công đoạn thay đổi thành phần hóa học. Eco còn mang nghĩa thân thiện môi trường nên nó thường được gắn thêm các yếu tố sử dụng năng lượng có nguồn gốc tự nhiên. Đây là công trình hoàn toàn không gây hại gì tới môi trường một cách rất toàn diện, từ xây dựng tới vận hành. Về bản chất cũng không khác so với công trình xanh, thậm chí đây chính là cấp độ cao nhất của công trình xanh. 

Đối với khái niệm đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững còn cần có thêm rất nhiều yếu tố mang tính xã hội, cộng đồng, đi kèm với mạng lưới xả thải, cung ứng tổng thể. Thậm chí theo tiêu chí mới của châu Âu còn phải đảm bảo tính bền vững cho các khu vực cung cấp tài nguyên phụ cận và cần tìm cách giảm thiểu diện tích đáp ứng tài nguyên cho đô thị. Tất nhiên trong đô thị xanh (sinh thái) không thể thiếu các công trình thân thiện môi trường, công trình sinh thái, công trình xanh theo một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ này luôn được điều chỉnh tăng dần bằng các biện pháp từ bắt buộc tới khuyến khích thực hiện. Kết nối, xen kẽ với hệ thống công trình là một mạng lưới liên tục các yếu tố sống, từ thảm thực vật tới các loại vi sinh vật, động vật… Các yếu tố này tạo nên một quần thể có khả năng tự duy trì và phát triển, chúng cộng sinh với con người và tạo ra những tác động qua lại với cuộc sống con người.

Như vậy có thể nói mục tiêu đô thị xanh và cấp cao nhất của nó là đô thị sinh thái chính là mục tiêu phát triển lâu dài của thế giới. Việt Nam cần nhanh chóng lồng ghép, thống nhất các chương trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển… để trước mắt đạt được các tiêu chí thành phố xanh, dần dần nâng tầm xanh lên tới mức sinh thái nhằm hoàn thiện toàn diện các yếu tố bền vững cho phát triển kinh tế, giữ gìn tài nguyên, môi trường cho các thế hệ tương lai.


PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH TRÊN THẾ GIỚI 

Phát triển công trình xanh và kiến trúc xanh thực ra là 2 vấn đề khác nhau. Kiến trúc xanh là phạm trù rộng hơn rất nhiều so với công trình xanh. Trước hết hãy nói về vấn đề nhỏ hơn là công trình xanh. Công trình xanh ở Việt Nam thực ra mới phát triển ở dạng khái niệm. Có một số dự án đang manh nha lấy chứng chỉ công trình xanh theo Lotus (phần lớn), một số rất ít còn lại lấy chứng chỉ công trình LEED. Tuy nhiên việc lấy chứng chỉ, nhất là Lotus, đôi khi mang tính hình thức, đối phó chứ chưa thực sự được quan tâm phát triển xanh ngay từ bước thiết kế. Chủ đầu tư vẫn chỉ tập trung vào việc giảm tối đa giá thành xây lắp, đôi khi làm giảm chất lượng thiết kế theo cách không đáng có… Các công trình được trao danh hiệu xanh khác thường là định tính, không có con số đo đạc cụ thể, cách làm này không khả thi khi áp dụng với những công trình hiện đại, có nhiều thiết bị và công nghệ. 

Phát triển công trình xanh về cơ bản là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, tạo môi trường sống tốt cho con người. Hiện nay xu hướng trên thế giới đều tập trung vào tiết kiệm năng lượng (cả vận hành công trình và sản xuất VLXD) vì nhờ đó mà có thể cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 trong thời gian dài vận hành công trình. Tuy nhiên năng lượng là một khái niệm khó nắm bắt, cũng không có hình hài như tiết kiệm nước. Vì vậy, thực hành tiết kiệm có nhiều khó khăn khi triển khai thực tế, không riêng gì tại Việt Nam. 


Hệ thống pin năng lượng mặt trời và cây xanh trên mái công trình 

Các nước thuộc hệ thống Anh Mỹ có nền khoa học phát triển mạnh, có nền tảng vật lý công trình và thiết bị vững chắc, do đó họ phát triển các công cụ tính toán năng lượng công trình dưới sự hỗ trợ từ chính sách, hoặc các cơ quan nhà nước tự phát triển như Bộ Năng lượng Mỹ. Việc phát triển công trình xanh từ đó phát triển nhanh, có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị tư vấn thiết kế nhằm lấy chứng chỉ công trình xanh. Hệ thống châu Âu tuy đi sau về mặt công nghệ thiết kế, nhưng không vì thế chậm chân. Các nước châu Âu cũng có nền tảng khoa học vững chắc. Cách làm của họ chủ yếu dựa vào các chính sách nhà nước, các điều luật xây dựng bắt buộc, khuyến khích đầu tư các giải pháp. Các chính sách và các giải pháp kỹ thuật được nhà nước đầu tư nghiên cứu bởi các công ty đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển bền vững… Nhờ vậy mà chỉ trong khoảng 10 năm, phần lớn các chính sách và chiến lược đã trở thành hiện thực. Thậm chí việc thực hành đồng bộ, có tính kế thừa kinh nghiệm của Mỹ đã làm cho các chương trình phát triển xanh của châu Âu tiến xa hơn một bước, thực sự phù hợp với lịch sử, văn hóa, kinh tế của khu vực. Điểm vượt trội trong chương trình xanh châu Âu là đã đưa được tính nhân văn vào cuộc sống cộng đồng ngay tại các khu đô thị có mật độ cao và cực cao. Đây là điểm quan trọng mà Việt Nam nên học hỏi. 

Để làm được như vậy, chương trình bền vững của châu Âu không chỉ tập trung vào khái niệm công trình xanh. Họ đặt vấn đề trực tiếp vào phát triển các khu đô thị bền vững, hay là các thành phố xanh, thành phố sinh thái. Coi đô thị như một cơ thể sống, có nhịp sống riêng và nhiệm vụ là cân bằng giữa “ăn” và “thải” của cơ thể sống này. Đây là khái niệm mới và nếu ứng dụng tại Việt Nam sẽ tạo thành bước chuyển biến lớn trong chất lượng quy hoạch đô thị. 

Tất nhiên các thành phố xanh sẽ bao gồm các tế bào nhỏ là các công trình xanh, xung quanh các công trình xanh là mạng lưới cây xanh mặt nước đan xen trong đô thị (green and blue network). Châu Âu được gọi là lục địa già, số lượng công trình cũ rất lớn nên việc cải tạo hiệu quả sử dụng năng lượng cho công trình cũ còn quan trọng hơn nhiều so với xây dựng mới công trình xanh. Việc này cần sự hỗ trợ đặc biệt của chính sách theo một cách hết sức cụ thể. Ví dụ từ năm 2008 Paris hỗ trợ 500 – 1500 euro cho các gia đình đơn lẻ để cải tạo sửa chữa nhà. Các giải pháp kỹ thuật và đo đạc được tư vấn miễn phí. Các thiết bị sử dụng nước nóng mặt trời, tuabin gió đều được trợ giá từ đầu những năm 2000…

Tại châu Âu, giao thông công cộng và giao thông liên thành phố được đặc biệt quan tâm. Việc này giúp cư dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Điều này còn đem lại văn hóa đi bộ và văn hóa xe đạp cho cư dân châu Âu. Giá trị của nó không chỉ nằm ở chỗ giảm phát thải mà quan trọng hơn là nâng cao thể chất cho cư dân đô thị. Cũng từ đó mà việc tạo ra các khoảng sân, vườn, quảng trường công cộng, đường dạo xen kẽ được quan tâm nhằm tạo ra sự giao tiếp cộng đồng, gắn bó về mặt xã hội và phát triển văn hóa. Đây là những điểm rất đáng kế thừa khi phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam. 


XÂY DỰNG HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN CÔNG TRÌNH XANH Ở VIỆT NAM 

Hiện nay Việt Nam có bộ quy chuẩn tiết kiệm năng lượng 09:2005, là quy chuẩn hiện hành duy nhất về tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy vậy việc thực thi quy chuẩn này còn rất hạn chế, thậm chí không được biết tới trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư cho tới kỹ sư. Đây là điểm hết sức đáng tiếc. Điều này bắt nguồn từ sự phức tạp của quy chuẩn cũng như sự lỏng lẻo trong quản lý đầu tư xây dựng. Sau những nỗ lực của Bộ Xây dựng và vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Xây dựng, trong năm 2013, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành quy chuẩn sửa đổi, dễ áp dụng hơn và có chế tài nhằm đưa quy chuẩn mới trở thành một phần không thể thiếu khi thiết kế các công trình. Đây là một bước đi hết sức quan trọng và cần thiết, thể hiện quyết tâm của Bộ Xây dựng trong nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trong thời gian tới. 

Ngoài quy chuẩn nhà nước ra, một nỗ lực vô cùng quý báu của hội đồng công trình xanh quốc tế dành cho Việt Nam là hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus do VGBC phát triển.

Phía các chuyên gia của Việt Nam cũng có những nỗ lực nhất định như thành lập Hội kiến trúc xanh Việt Nam, Hội xây dựng xanh Việt Nam. Tuy nhiên những tên gọi này mới tồn tại trên giấy tờ, chưa có hoạt động đáng kể để có thể tạo tiếng vang trong xã hội. Một phần do nền tảng khoa học cơ bản về công trình và thiết bị kỹ thuật tại Việt Nam hiện nay đang tụt hậu khá xa so với thế giới. Sự hỗ trợ của các chính sách nhà nước còn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân cản trở phát triển kiến trúc xanh. 

Hiện tại, VGBC có ý định chuyển giao hệ thống Lotus cho phía Việt Nam theo lộ trình, từ đó có thể thấy một xu hướng hợp nhất trong tương lai xa cho tất cả các tên gọi công trình xanh đang phân nhánh hiện nay.

Mặc dù đã có công cụ đánh giá công trình xanh nhưng thời điểm phát triển mạnh của những công trình này còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. Công trình xanh phát triển mạnh chủ yếu tại các nước phát triển, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam cũng không thể thiếu yếu tố này. Đáng tiếc là ngành khoa học nhiệt công trình tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, không bắt kịp với xu hướng của thế giới. Đây là điểm mà lãnh đạo các nước châu Âu hiểu rất rõ. Tại Hà Lan, thậm chí còn có khẩu hiệu: Khoa học công trình càng chính xác thì tính bền vững càng cao. Mối liên hệ giữa 2 vấn đề này tại Việt Nam còn chưa được đánh giá đúng mức. Đó là lý do tại sao việc tăng cường hiểu biết, nhận thức về công trình xanh được thực hiện rất nhiều trong thời gian qua tại Việt Nam, nhưng công trình xanh thực sự lại xuất hiện rất ít. Khoa học nhiệt công trình của Việt Nam cũng đang tính toán bằng phương pháp cũ, chứa nhiều sai số đã không còn phù hợp với nhu cầu mới. Đây là vấn đề có tính gốc rễ và cần được giải quyết càng sớm càng tốt. 

Hiện tại, một số ít đơn vị đầu tư xây dựng (như Ngân hàng Phát triển đầu tư BIDV, Tòa nhà One – Liên Hiệp Quốc) chọn hệ thống LEED của Mỹ làm công cụ đánh giá cho công trình trụ sở BIDV. Đây là việc làm và nỗ lực có tính tiên phong nhằm phổ biến công trình xanh tại Việt Nam và quan trọng hơn là nhằm nâng cao thương hiệu đi kèm với đảm bảo giảm thiểu chi phí vận hành công trình. Tuy nhiên LEED là hệ thống dành cho nước Mỹ, nơi có khí hậu và điều kiện đầu tư hoàn toàn khác so với Việt Nam. Một số nghiên cứu tính toán khí hậu với công trình cho thấy, nếu không có hệ thống công cụ riêng phù hợp với Việt Nam, có thể sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí vào các thành tố đóng vai trò thứ yếu trong tiết kiệm năng lượng công trình. Ví dụ như đầu tư giảm hệ số dẫn nhiệt tường tới mức nhỏ hơn 1.8 W/m2.K. Việc này rất hiệu quả tại các nước ôn đới, nhưng ở Việt Nam lại làm tăng đầu tư và hiệu quả nhỏ tới mức thời gian hoàn vốn có thể kéo dài tới… 100 năm. Do đó, khoa học về tính bền vững môi trường, xã hội của công trình đóng vai trò rất lớn cả về kỹ thuật lẫn kinh tế. Đáng tiếc là nền tảng này đang bị quên lãng, nhất là trong giai đoạn bong bóng bất động sản vừa qua. 

Như vậy có thể thấy rằng việc đào tạo kỹ sư, sự quan tâm tới khoa học luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Khi các vấn đề bất cập nảy sinh, sự thua thiệt trong đầu tư, trong vận hành công trình xuất hiện bằng các số liệu năng lượng, tài chính cụ thể thì cũng là lúc cần phải nâng tầm của đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế. Và cho dù có công cụ đánh giá nào đi chăng nữa thì công cụ quan trọng nhất để thực hiện kiến trúc xanh, thực hiện các thành phố xanh chính là đội ngũ kỹ sư và kiến trúc sư được đào tạo đầy đủ, được làm nghề một cách đúng nghĩa và được trả công xứng đáng. 

Thực tế làm nghề hiện nay là kiến trúc sư phải đóng quá nhiều vai, từ thiết kế, tới quan hệ, quản lý, thợ vẽ, với mức thiết kế phí vào loại thấp của thế giới (~2% giá trị công trình so với 8 -10% tại các nước khác). Và như vậy, hiệu quả tất yếu của việc đánh giá chất xám quá thấp, quá khác biệt so với thế giới là vấn đề lãng phí năng lượng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường… Như vậy là nguồn tài nguyên quan trọng nhất là chất xám đã và đang không được đặt vào đúng vị trí của nó. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa thực hiện công trình xanh tại Việt Nam so với các nước trên thế giới./. 

ThS.KTS Trần Thành Vũ – Chuyên gia tư vấn tiết kiệm năng lượng IFC Worldbank Group

(Theo http://ashui.com)