Khái niệm Phát triển đô thị bền vững

0
5778

Việc “ Khủng hoảng đôt thị” đặt ra vấn đề phải có một đường lối phát triển tổng hợp của các tiến bộ về kinh tế, tiến bộ về xã hội và cả về văn hóa, cần phải phát hiện ra xu hướng phát triển tương lai chân chính của đô thị. Trong trào lưu của tư tưởng phát triển bền vững, và với mục tiêu trên, các nhà khoa học áp dụng tư tưởng phát triển bền vững vào lĩnh vực phát triển đô thị.

Khái niệm về phát triển bền vững đầu tiên được đề cập vào năm1987 trong báo cáo của Ủy ban Môi trường và phát triển của Ngân hàng Thế giới (Brundtland Commission 1987). Khái niệm này cho rằng sự phát triển phải thỏa mãn nhu cầu của con người không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà còn cho cả tương lai, phải đáp ứng cả yêu cầu kinh tế lẫn bảo vệ môi trường. Năm 1991 Ngân hàng châu Á (ADB) xác định thêm nội dung của phát triển bền vững, nhấn mạnh thêm khả năng của thế hệ hiện tại đáp ứng cho các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Kể từ đó một phương pháp phát triển mới được định hình và được chấp nhận rộng rãi.

Như vậy phát triển bền vững có mục tiêu rõ ràng: thứ nhất, phát triển sản xuất phải đi đôi với vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thứ hai, phải chú trọng đến mối quan hệ giữa các thế hệ, thế hệ ngày nay phải có trách nhiệm với các thế hệ sau trong việc để lại những di sản và tài nguyên có giá trị.

Phương thức phát triển mới này được xây dựng với nội dung bao gồm ba vế phát triển kinh tế, phát triển môi trường và phát triển xã hội, là sự tổng hợp của các chỉ tiêu chủ yểu về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và nhất là hướng tới tương lai.

Phát triển bền vững được áp dụng như thế nào trong bối cảnh phát triển đô thị?

 Dù cùng xuất phát từ khái niệm phát triển bền vững của Brundtland, nhiều nhà khoa học, dưới sự chi phối của lĩnh vực hoạt động của mình, đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về phát triển đô thị bền vững.

Các nhà sinh thái đưa ra các tiêu chuẩn để phát triển đô thị bền vững như sau:

·        Phát triển nhà ở theo chiều cao để tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và mặt bằng;

·        Bảo tồn địa hình địa mạo tự nhiên;

·        Tránh xây dựng thành phố trong thung lũng vì đất ở đấy phì nhiêu và dễ lở;

·        Bảo vệ và phát triển cây xanh đô thịi;

·        Khuyến khích tiết kiệm nước;

·        Hạn chế sử dụng phương tiện di chuyển có động cơ;

·        Tái sinh vật liệu phế thải.

Các nhà ngân hàng chú trọng đến lĩnh vực tài chính. Theo họ, phát triển đô thị bền vững có 4 tiêu chí:

·        Đảm bảo và phát triển khả năng cạnh tranh của thành phố;

·        Đảm bảo cuộc sống của cư dân tốt hơn;

·        Nền tài chính lành mạnh ( nguồn thu, các chính sách tài chính, nguồn lực );

·        Quản lý đô thị tốt.

Các nhà nghiên cứu và quản lý chú trọng đến đường lối:

·        Lấy chỉ tiêu HDI [1] để đánh giá đô thị chứ không dựa vào quy mô dân số , kinh tế hay xây dựng như trước đây;

·        Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị;

·        Sự phối hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và quản lý.

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiên[2] nêu ra những kinh nghiệm xây dựng đô thị theo yêu cầu phát triển bền vững dựa trên kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức như sau:

 ·        Đánh giá đô thị dựa trên chỉ tiêu chất lượng cuộc sống;

·        Phát triển đô thị gắn chặt với phân vùng;

·        Thành phần tham gia vào quy hoạch đô thị không chỉ có chính quyền, mà còn có người tiêu dùng, người dịch vụ, nhà doanh nghiệp và đại diện các tổ chức xã hội và tôn giáo;

·        Chức năng của đô thị có tính chất toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa và quản lý, trong đó chức năng quản lý bao trùm, làm điều kiện thực hiện các chức năng khác[Trần Ngọc Hiên, 1997, tr.13].

Những khái niệm và những định nghĩa trên thật là phong phú, thể hiện tính đa chiều kích của một đô thị. Vì vậy, những thành tựu khoa học được ứng dụng nhằm phát triển đô thị đòi hỏi một sự cẩn trọng, phải có một tầm nhìn tổng hợp phối hợp hài hòa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nối liền hiện tại với tương lai, để cho đô thị xứng đáng là nơi “ làm việc, sống, nghỉ ngơi”


[1] Chỉ số HDI ( Human Development Index là chỉ số phát triển của con người. Chỉ số này được xác định trên 3 chỉ tiêu là tuổi thọ, tình trạng giáo dục và GDP điều chỉnh tính theo đầu người. Thống kê năm 1998 ở 174 nước biết HDI của 10 nước cao nhất là Canda, Nauy, Hoa Kỳ, Australia, Iceland, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản, Vương Quốc Anh. Việt Nam xếp thứ 108.

[2] Giáo sư, Tiến sĩ, học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1997)