Làng nghề truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh đối diện với đô thị hóa

0
3398

Những nghề thủ công, ngay từ buổi bình minh của vùng Bến Nghé, đã từng là hoạt động sản xuất thiết yếu của lưu dân. Những nghề thủ công ấy đã góp phần tạo nên bước đầu của nền kinh tế Sài Gòn xưa. Do nhu cầu tồn tại và phát triển, các cộng đồng ngành nghề đã tập hợp lại với nhau, hình thành các làng nghề thủ công. Các làng nghề thủ công tại thành phố Hồ Chí Minh có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử, kinh tế, văn hóa của thành phố, đã và đang góp phần nâng cao và làm phong phú đời sống vật chất của người dân. 

Các sản phẩm thủ công, ngoài giá trị hàng hóa còn mang giá trị văn hóa. Hàng hóa là cái giá mang của giá trị văn hóa. Sản phẩm thủ công truyền thống tự thân nó chính là sản phẩm hàng hóa mang tính chất nghệ thuật được mua bán trên thị trường. Đó là những tác phẩm văn hóa chứa đựng quan niệm, nhận thức của người Việt Nam.

Vì thế, làng nghề không chỉ là địa điểm sản xuất hàng hóa mà là nơi biểu trưng cho các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một địa phương, của một cộng đồng, và nhất là nơi đúc kết những tài năng của các thế hệ nghệ nhân tài hoa với những bản sắc riêng nhưng lại tiêu biểu cho tính cách dân tộc.

Sản phẩm của làng nghề tùy thuộc mạnh mẽ vào nhu cầu xã hội. Một khi không thích ứng nữa thì nghề thủ công và làng nghề nào đó có thể biến mất. Như vậy làng nghề không phải là cố định. Nó xuất hiện, phát triển và có thể lụi tàn nếu không được tiếp sức, không theo kịp với thời đại.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà nền kinh tế hàng hóa phát triển từ rất sớm và hiện nay là cao nhất nước. Từ nền sản xuất hàng hóa ấy, sự trao đổi thương mại với nước ngoài cũng đã rất phát triển, là thành phố lớn đã từng trải qua nhiều đợt công nghiệp hóa, và hiện nay là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tác động mạnh mẽ đến các hoạt động thủ công và các làng nghề truyền thống.

Trong bối cảnh của một thành phố như thế, các nghề và làng nghề thủ công đang gặp một số vấn đề thuận lợi cũng như khó khăn. Đó là sự thuận lợi trong nền kinh tế phát triển, có thị trường quốc tế, đồng thời sự bất lợi trong môi trường đô thị hóa, trong cơ chế thị trường.

Đô thị háo đang dần phá vỡ các cơ cấu cổ truyền của các nghề thủ công, của các làng nghề, thu hẹp dần mặt bằng sản xuất. Đất nông thôn chuyển đổi thành đất đô thị trong quá trình đô thị hóa, đã trở thành hàng hóa cao cấp. Và do đó, mặt bằng sản xuất phải nhường chỗ cho xây dựng. Người sản xuất bán đất để đổi lấy những số tiền lớn mà trước đây họ không mong có được. Mặt bằng sản xuất vì thế, ngày càng chật hẹp. Đó là trường hợp làng hoa ở quận ven Gò Vấp. Làng hoa Gò Vấp sản xuất cả hoa tươi lẫn cây kiểng có truyền thống từ lâu đời[1]. Diện tích vào lúc phát triển nhất của nghề này lên đến 50-60 ha. Làng cung cấp đến 1/3 nhu cầu của thành phố Hồ Chí Minh. “ Cơn sốt đất” lan đến Gò Vấp vào khoảng năm 1995. Nhịp độ mua bán đất sôi động kể từ đấy cho đến nay (1999). Diện tích làng hoa hao mòn dần. Để giữ lại làng hoa, có chủ trương quy hoạch một khu trung tâm vườn hoa với diện tích 20 ha, nhưngh dự án này không đứng vững trước sự tấn công của cơn lốc đô thị hóa. Làng hoa, kiểng Gò Vấp đang teo dần.

Cũng tại Gò Vấp, song song với nghề sản xuất hoa tươi, hoa kiểng là nghề trồng thuốc lá, từ đó xuất phát nghề chế biến thuốc lá, mà địa danh “ Xóm thuốc” còn lưu lại cho đến nay. Những người nông dân ở đây cũng đồng thời là những người thợ chế biến thuốc rê. Trình độ thái thuốc, phơi thuốc của họ rất cao, sợi thuốc mịn và vàng óng[1](còn tiếp)


[1] Thạch Thảo, “ Địa danh “ XÓM THUỐC””, Nội  san Gò Vấp, 30.10.1995.


[1] Sản xuất hoa kiểng vừa là nghề làm vườn, vừa là nghề thủ công. Ở đây, chúng tôi tạm xếp nghề này vào hệ thống nghề thủ công.

PGS.TS.Tôn Nữ Quỳnh Trân

GĐ Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển