Nghiệm thu đề tài: “Việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020 (trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer)”

0
1709

(CEFURDS) – Chiều ngày 9/5/2016, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020 (trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer)” do Tiến sĩ Trương Hoàng Trương làm chủ nhiệm.


Thành phần của hội đồng nghiệm thu gồm có TS. Võ Công Nguyện – chủ tịch Hội đồng, TS. Phạm Phi Yên, phản biện 1,  PGS.TS. Trần Hữu Quang, phản biện 2 cùng các thành viên khác trong hội đồng gồm PGS.TS. Nguyễn Thuấn, TS. Văn Thị Ngọc Lan, ThS. Nguyễn Sinh Công, ThS. Nguyễn Quang Cường, ThS. Nguyễn Hữu Trí và CN. Lục Văn Thanh. Tham dự buổi nghiệm thu có PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS), đại diện cơ quan chủ trì đề tài và các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Toàn cảnh buổi báo cáo. Ảnh: Vũ Ngọc Thành

Báo cáo tổng hợp của đề tài có 200 trang, ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, gồm 5 chương, Chương I: Cơ sở lý luận và phương pháp luận của đề tài; Chương II: Các cộng đồng dân tộc thiểu số – đặc điểm nhân khẩu xã hội của thanh niên dân tộc thiểu số tại TP. Hồ Chí Minh; Chương III: Tình hình học nghề và tìm việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số tại TP. Hồ Chí Minh; Chương IV: Tình hình việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số và Chương V: Xu hướng việc làm của thanh niên dân tộc và đề nghị.

 Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy bản thân thanh niên của ba cộng đồng Hoa, Chăm Khmer đã phần nào vận dụng tốt mạng lưới xã hội vốn có của họ trong việc tìm và giữ việc làm. Bên cạnh những thuận lợi, thanh niên dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn do trình độ học vấn chưa đạt yêu cầu của việc làm, do các yếu tố về phong tục tập quán, và cũng do sự thiếu chủ động của chính bản thân thanh niên.

Từ thực trạng đó, báo cáo đưa ra những giải pháp cho việc định hướng việc giải quyết việc làm thanh niên dân tộc thiểu số hiện nay và tầm nhìn tương lai. Trước hết, bản thân thanh niên dân tộc thiểu số cần phải nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc học nghề, của việc hướng nghiệp bài bản; về giá trị của việc làm; nâng cao trình độ học vấn; năng lực chuyên môn. Và, điều quan trọng là thanh niên phải tự đề ra cho mình kế hoạch hành động cũng như trang bị cho bản thân ý chí phấn đấu để có việc làm bền vững trong tương lai, hướng đến cuộc sống có chất lượng.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của đề tài, hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Đề tài đáp ứng khá đầy đủ nội dung cần có, cách tiếp cận xã hội học mang tính nhân văn cao, phương pháp nghiên cứu, câu hỏi, giả thuyết nghiên cứu, nội dung phù hợp với mục tiêu của đề tài. Hội đồng nhất trí bỏ phiếu thông qua nghiệm thu đề tài với kết quả đạt loại “Khá”. Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trương Hoàng Trương tiếp thu các góp ý của các thành viên trong Hội đồng, sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp để tăng giá trị khoa học, thực tiễn của đề tài, đúng theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu.

CEFURDS