Trong những cố gắng giải quyết những xung đột về nhóm lợi ích trong quy hoạch, phát triển đô thị nói chung và quy hoạch, phát triển du lịch nói riêng thì phương thức tham gia của người dân nổi lên như một giải pháp căn cơ và bền vững.
Những năm gần đây, tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…ở Việt Nam, vấn đề quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có sự tham gia của người dân bước đầu đã tạo được sự quan tâm của chính quyền và người dân. Càng ngày người ta càng nhận thức rõ, chính những người dân, họ là những tác nhân thực sự tham gia và duy trì, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Tham gia của cộng đồng – chìa khóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Thực tiễn cho thấy, việc bảo tồn và phát huy di tích lịch sử, văn hóa luôn đồng hành – gắn liền với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Và mỗi khi công tác bảo tồn không được thực hiện tốt cũng đồng nghĩa với việc thiếu, mất đi một phần di sản trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc.
Di sản văn hóa là tài sản của quốc gia, của mọi giai tầng xã hội do vậy cần tôn trọng sự tham gia của các thành phần xã hội khác nhau trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này nhiều lúc chưa được quan tâm và nhận thức đúng đắn của những người trong cuộc. Vấn đề đặt ra ở đây là cái giá phải trả của quá trình thương mại hóa du lịch, quan điểm phát triển nóng vội là rất đắt và bài học của quá trình phát triển duy kinh tế là hãy để chính người dân cùng tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nếu người dân cùng chung tay vào quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thì hiệu quả mang lại từ kinh doanh du lịch là rất lớn, sẽ để lại những dấu ấn đặc sắc dân tộc.
Du lịch và bảo tồn di sản văn hóa cái nào thúc đẩy cái nào?
Không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia, di sản văn hóa còn là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, vì vậy di sản văn hóa của mỗi dân tộc là một trong những nội lực giúp ngành du lịch cất cánh. Có nhiều lý do để thu hút con người đến với du lịch trong đó di sản văn hóa là nhịp cầu giúp con người tìm về với lịch sử của dân tộc. Có thể xem di sản văn hóa như là cuốn phim giúp người xem khám phá và chiêm nghiệm về một quá khứ đã qua của một dân tộc.
Xét về tổng thể, du lịch đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống của một bột bộ phận dân cư. Bên cạnh đó thông qua phát triển du lịch sẽ tạo động lực cho công tác bảo tồn, thiết lập và phát huy di dản văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ cho du lịch.
Khi lợi ích và hiệu quả kinh tế của du lịch được người dân tự ý thức, ủng hộ thì sẽ tạo động lực để thu hút, huy động mọi nguồn lực của họ trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phục vụ du lịch. Nói một cách cụ thể là lợi ích của người dân phải được cân đong đo đếm cụ thể và mỗi khi họ thu được một đồng thì sẵn sàng bỏ ra chừng ấy để đầu tư. Đây là cách làm khá hợp lý, phát huy nguồn lực tại cộng đồng dân cư. Ngược lại, nếu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đi trước một bước trong chiến lược phát triển du lịch thì đây cũng chính là quá trình hành động nhằm kích cầu thị hiếu du lịch. Mặc khác quá trình bảo tồn sẽ tái thiết lập và tạo dựng lại một nền văn hóa sống động theo thời gian. Nếu những di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) không được “khơi dậy” hoặc bị lãng quên thì chúng sẽ trở thành vô cảm, mất đi giá trị mà nó từng vốn có.
Đề xuất một số quy trình tham gia của người dân vào công tác quy hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa du lịch
Nguyên tắc chung
Để người dân có thể tham gia vào quá trình bảo tồng và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên tắc chung của người điều hành cần tuân thủ ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu bao gồm việc tổ chức thông tin có hệ thống về dự án quy hoạch, bảo tồn và duy trì giá trị di sản văn hóa.
Giai đoạn hai sau khi quần chúng nhận được đầy đủ thông tin, cần phải tiến hành thu thập và xử lý thông tin về những vấn đề đã được nêu ra trong quy hoạch, bảo tồn và duy trì giá trị di sản văn hóa.
Giai đoạn ba bao gồm việc tổ chức các tiến trình nhằm cho phép các tổ chức có quan tâm được quyền trình bày những ý tưởng, giải pháp trái ngược về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Họ không còn được coi là những người ngoài cuộc mà là sức mạnh để đưa những đề xuất và những khởi xướng mới, không còn bị đóng khung, định sẵn bởi chính quyền, các nhà điều hành, các nhà chuyên môn.
Nguyễn Quang Giải – CEFURDS
(Còn tiếp