(CEFURDS) – Sáng ngày 9/11/2016, tại phòng họp số 32 của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp đánh giá nghiệm thu đề án “Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP. Hồ Chí Minh – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” do PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân làm chủ nhiệm.
Tham dự buổi đánh giá nghiệm thu đề án có bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch hội đồng đặt đổi tên đường TP. Hồ Chí Minh – chủ trì cuộc họp. Các ủy viên thường trực trong hội đồng đặt đổi tên đường gồm có các nhà khoa học là PGS.TS. Phan Xuân Biên – Phó Chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Đặng Văn Thắng – Phó Chủ tịch hội khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Lê Trung Hoa – giảng viên trường ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh; Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần… và nhiều nhà quản lý là Giám đốc, Phó Giám đốc đại diện các Sở, Ban ngành trên địa bàn Thành phố cùng có mặt.
Đây là công trình nghiên cứu được thực hiện trong suốt 3 năm (từ năm 2013 tới nay) do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển thực hiện. Do hệ thống tên đường và công trình công cộng (CTCC) tại TP. Hồ Chí Minh là một mạng lưới đồ sộ, phức tạp với khoảng hơn 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị, trong quá trình thực hiện, Đề án đã gặp phải nhiều khó khăn. Tuy thế, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh, của Phòng Di sản thuộc Sở, của Hội đồng đặt đổi tên đường, của các Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GISC) thuộc Sở Khoa học Công nghệ, các Quận/Huyện… cùng các nhà khoa học, các giảng viên và sinh viên thuộc Khoa Quản lý Đô thị trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đề án đã hoàn thành nhiệm vụ sau ba năm triển khai.
Báo cáo nghiệm thu của Đề án được cấu trúc gồm 6 tập, 1904 trang như sau:
Tập 1. Cơ sở lý luận và lịch sử tên đường TP. Hồ Chí Minh. Tập này trình bày cơ sở lý luận của vấn đề tên đường, Tác động của tên đường, CTCC và lịch sử hình thành hệ thống tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập 2. Danh bạ tên đường và CTCC tại TP. Hồ Chí Minh, với tổng số 1.610 đường có tên trong thành phố, gồm 2 loại danh mục là 1/danh mục tên đường có thông số kỹ thuật và 2/danh mục tên đường có thông tin về văn hóa – lịch sử. CTCC gồm 452 cầu và 41 công viên được lập với các thông số về địa điểm, diện tích và kết cấu công trình.
Tập 3. Danh mục các con đường, con hẻm đủ chuẩn có tên tạm, chưa có tên, các tên đường lệch chuẩn. Có tất cả là 1.774 con đường mang tên tạm hay tên số, được hình thành tự phát do số lượng con đường tăng lên quá nhanh so với tốc độ của quy trình đặt đổi tên đường.
Tập 4. Dự báo số lượng đường, CTCC TP. Hồ Chí Minh theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025. Kết quả phân tích cho thấy đến năm 2025, thành phố sẽ phát sinh 810 con đường, 451 cây cầu và 60 công viên.
Tập 5. Giải pháp đặt, đổi tên đường và CTCC tại TP. Hồ Chí Minh. Đề án đưa ra 8 giải pháp cho 8 vấn đề cần giải quyết gồm: Điều chỉnh các tên đường không chính xác; tên đường không đúng nguyên tắc đặt tên; tên đường mang tên nhân vật và tên gọi còn chưa thống nhất ý kiến; tên đường không có ý nghĩa, thiếu thẩm mỹ; đường mang tên khác nhau của cùng một nhân vật; tên đường trùng nhau; về việc đặt tên đường mới cho đường chưa có tên, đường dự báo và Cải tiến quy trình đặt đổi tên đường cho phù hợp với tốc độ ra đời của các con đường.
Tập 6. Phụ lục, bao gồm hệ thống các văn bản về chủ trương, cơ sở pháp lý để đặt tên đường và các quyết định liên quan đến việc đặt, đổi tên đường và CTCC tại TP. Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của đề tài, hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Chủ tịch hội đồng đặt đổi tên đường TP. Hồ Chí Minh nhận xét “Đề án nghiên cứu được khảo sát, biên soạn rất công phu, nghiêm túc, có tính hệ thống, giúp hiểu thêm nhiều điều về lịch sử, văn hóa đô thị mà mình chưa biết. Đề án đã toát lên khá rõ 8 vấn đề cần kết luận. Cái hay của đề án này là đã chỉ ra được những khiếm khuyết của quy trình đặt đổi tên đường hiện hành và đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện quy trình đồng thời đưa ra được các giải pháp cho 8 vấn đề cần giải quyết ở tập 5”. Hội đồng cũng đồng ý, thống nhất với cách tiếp cận và các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đề xuất đồng thời kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung để đề án được hoàn thiện hơn như: rà soát lại các tên đường không chính xác, tên đường trùng, tên, tên đường thiếu tính thẩm mỹ, tên đường còn nghi vấn…xem có phát hiện thêm những sai sót để xử lý cho đồng bộ; xem lại cách tính điểm ưu tiên cho mỗi quận khi đặt tên đường; cần tham khảo cách đặt tên đường ở Hà Nội và một số nước trên thế giới để rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc đặt, đổi tên đường ở TP. Hồ Chí Minh…
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân ghi nhận các ý kiến đóng góp của Hội đồng, hoàn thiện báo cáo tổng hợp để kết quả nghiên cứu của đề tài được hoàn chỉnh, đúng theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu.
Hiệu ứng mà đề án tạo ra cho xã hội là rất lớn, nhiều bài báo đã đăng liên tiếp trong thời gian gần đây trên các báo tuổi trẻ, thanh niên, pháp luật… đưa ra nhiều vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự của công tác đặt, đổi tên đường đã thu hút được sự quan tâm và nhận được những đóng góp quý báu của nhiều độc giả.
CEFURDS