Ngày 2/12/2010, tại TP.HCM, Viện Môi trường & Tài nguyên (TP.HCM) phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế về môi trường và Tài nguyên thiên nhiên năm 2010 với chủ đề Bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (Hội thảo quốc tế truyền thống của Viện môi trường và Tài nguyên tổ chức 2 năm 1 lần). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Nguyễn Đức Nghĩa; Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Văn Phước; Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN) Nguyễn Văn Phước cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Mục đính chính của Hội thảo lần này là nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) tại VN. Hội thảo còn tạo điều kiện để các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực môi trường hiểu biết tốt hơn các nhu cầu thực tế của khu vực nói chung và của VN nói riêng, đồng thời cũng để mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và BĐKH. Hội thảo cũng là nơi để các nhà khoa học VN và Quốc tế công bố các công trình khoa học của mình với cộng đồng khoa học, tạo mối quan hệ tốt để phát triển các mối quan hệ trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết: Công cuộc bảo vệ môi trưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của toàn Đảng toàn dân ta, trong đó sự đóng góp của các nhà khoa học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt, Chính phủ đã đề ra chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2005 đã chỉ ra rằng cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển ngành công nghiệp bảo vệ môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ môi trường, phát triển kinh tế môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn 2050 làm cơ sở cho việc xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu thực tiển. Trong thời gian qua, chúng ta đã cũng đã có những thành công nhất định trong công tác bảo vệ môi trường như được Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Đa dạng sinh học. Đến nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên cả nước. Ngoài ra, việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và nhà nước rất quan tâm. Đến nay, đã có nhiều tổ chức và các nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực môi trường, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài nhà nước. Trong đó, một số lĩnh vực tư nhân phát triển mạnh như: thu gom, vận chuyển và tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung…Các thành tựu này, một phần là đóng góp của các nhà khoa học. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã được áp dụng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, là cơ sở xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các giải pháp giảm thiểu ô nhiểm, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý ô nhiểm môi trường và phục hồi môi trường.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, cần được quan tâm và giải quyết: sự chồng chéo và mâu thuẩn của các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường với các đạo luật chuyên ngành khác, thiếu thực tiễn…Nguồn nhân lực cho công tác quản lý môi trường tại các địa phương tuy có tăng về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Công tác bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp về tổng quan chưa đáp ứng được các yêu cầu, hoạt động của nhiều khu công nghiệp còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, việc kiểm soát xả thải còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm của nhiều lưu vực sông. Ngoài ra, công tác quản lý và xử lý rác thải đô thị tại các tỉnh thành luôn là vấn đề nan giải của các nhà quản lý. Đặc biệt, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu đang và sẽ gây ra những tác hại to lớn cho hệ sinh thái tự nhiên và toàn bộ hoạt động sống của con người. Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn và thách thức trong công tác bảo vệ môi trường của đô thị và khu công nghiệp trong tương lai. Công tác ứng phó với BĐKH rất phức tạp, yêu cầu phải có một khung hành động tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực. Thông qua Hội thảo, tôi mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học, các đơn vị hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường góp ý và đề xuất các giải pháp cho 3 chương trình chính: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh trường hợp cho khu vực TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Quản lý môi trường lưu vực sông Đồng Nai; Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đặc biệt là công nghệ sử lý rác hạn chế chôn lấp, tái chế thành nhiên liệu hoặc điện năng. Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết thêm.
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Văn Phước đã trình bày các giải pháp ứng phó với BĐKH ở TP.HCM: TP.HCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ đang tăng lên khoảng 0,02oC từ năm 1960 đến 2005, trong đó từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,033oC. Nhiệt độ trung bình hàng năm của TP.HCM vào khoảng 28,1oc (năm 2009) và chênh lệch giữa mùa nắng và mùa mưa từ 4-5oC. 90%, lượng mưa hàng năm xảy ra từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có sự thay đổi về lượng mưa cao, mang cả lũ lụt và hạn hán, TP.HCM có khí hậu nhiệt đới gió mùa cho thấy một sự thay đổi về lượng mưa trong suốt cả năm. Hiện tại, có 154 xã, phường của TP.HCM đã thường xuyên bị ngập úng, đến năm 2015, dự báo con số này sẽ lên đến 177, chiếm 90% diện tích thành phố (theo ICEM). Theo kịch bản biến đổi khí hậu-nước biển dâng của nước ta do Bộ TN&MT công bố ngày 20/8/2010, thì nếu mực nước biển dâng thêm 75cm thì khu vực TP.HCM có khoảng 204 km2 diện tích đất bị ngập (chiếm 10% tổng diện tích) và khi mực nước biển dâng 100 cm sẽ có khoảng 472 km2 bị ngập. Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, ngày 2/12/2008, Chính phủ VN đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tại Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg. Trong bối cảnh chung đó, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực chung tay góp sức giải quyết các vấn đề về BĐKH, tăng cường các hoạt động hợp tác về BĐKH với các tổ chức trong và ngoài nước như: Tháng 5/2009, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ III của Tổ chức C40 diễn ra ở Hàn Quốc đã chính thức kết nạp TP.HCM cùng 4 thành phố khác vào Tổ chức C40 (Tổ chức của 40 thành phố lớn và các thành viên trên thế giới với các hoạt động chính là cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH); phối hợp với Tập đoàn ARUP Haskoning (New Zealand) thực hiện các cuộc hội thảo phổ biến thông tin, kiến thức và kinh nghiệm ứng phó BĐKH; phối hợp với COTRA (Phòng Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc) để xây dựng 4 dự án ứng phó BĐKH, xin hỗ trợ vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền từ 100-130 triệu USD; triển khai dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH với sự hỗ trợ của ADB và Qũy Bắc Âu; xây dựng dự án Tăng cường nhân lực ứng phó BĐKH cho cán bộ ngành nông nghiệp, nước và môi trường (NICHE) để xin hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan. Đồng thời, TP.HCM đang triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ TN&MT thông qua việc xây dựng Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH năm 2011-2015 và bản Kế hoạch ứng phó với BĐKH cho từng ngành với mục tiêu giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã đề ra các giải pháp thích ứng với BĐKH như: Tăng cường kiểm soát lũ lụt và tăng cường đầu tư cho các cơ quan để thực thi các biện pháp thích ứng; cung cấp phân bổ ngân sách đặc biệt để thích ứng trong khoảng thời gian 5 năm, hỗ trợ các lĩnh vực chính như: xây dựng ngân hàng dữ liệu, xem xét lại các chiến lược phát triển và triển khai thí điểm các biện pháp thích ứng; thiết lập một Qũy BĐKH để nhận được sự bổ sung thường xuyên từ Chính phủ, cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân…
Lễ ký kết hợp tác giữa Viện MT&TN và Công ty Phúc Thiên Long
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện MT&TN cũng đã thuyết trình về giải pháp xử lý rác cho các đô thị lớn, góp phần kìm hãm BĐKH: Hiện tại, chất thải rắn đô thị khoảng 21.500 tấn/ngày, chất thải rắn nông thôn 30.000 tấn/ngày. Theo đó, từ năm 2015-2020, chất thải rắn đô thị tập trung tại TP.HCM, TP.Hà Nội và các đô thị phát triển sẽ tiếp tục tăng từ 2-3 lần. Hiện tại có 4 phương án để xử lý chất thải rắn: 1. Chôn lấp không thu hồi khí sinh học (đốt bỏ); 2. Chôn lấp có thu hồi biogas để sản xuất điện năng; 3. Đốt trực tiếp và sản xuất điện năng; 4. Phân thành hữu cơ và vô cơ tại bãi chôn lấp, kim loại được tái chế, phần hữu cơ được phân hủy kị khí thu hồi khí sinh học. Khi dựa trên 3 tiêu chí: lượng chất thải mới sinh ra bởi quá trình xử lý, điện năng tiêu hao cũng như điện năng được sinh ra và mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để so sánh 4 phương án trên thì phương án 4 là tối ưu vì chất thải rắn hữu cơ được biến thành Biogas và phân bón, phần chất thải trơ dùng làm ra viên nhiên liệu công nghiệp để đốt chạy máy phát điện, giảm được 80% lượng chất thải phải chôn lấp, giảm đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính, bởi vì nhiệt năng và biogas được sản xuất có thể thay thể nguồn nhiên liệu hóa thạch; tiết kiệm năng lượng cho xử lý rác. Từ những lợi ích này (phương án 4), Công ty TNHH Phúc Thiên Long (Đồng Nai) đã quyết định đầu tư xây dựng dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn hữu cơ (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và định hướng theo công nghệ sinh học kị khí thu hồi biogas, với quy mô hơn 90 ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự án này sử dụng nguồn lực từ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện MT&TN (TP.HCM). Dự án còn được sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài như Singapore, Phần Lan về cung cấp công nghệ, thiết bị lên men và phát điện từ khí sinh học.
Nguyễn Tú
(Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam)