Những dòng kênh ‘chết’ được hồi sinh

0
1335

(VnExpress) – Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm… một thời ô nhiễm, không có sự sống, được cải tạo khiến nước trong xanh, cải thiện môi trường cho hàng triệu hộ dân.
Hơn 5h, bà Nguyễn Hoàng Điệp, 60 tuổi, nhà gần cầu Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, đi bộ qua đường Hoàng Sa tập thể dục dọc kênh Nhiêu Lộc. Bóng mát của hàng cây xanh, không khí trong lành, dễ chịu làm tinh thần bà phấn chấn. “Gần 20 năm trước, ngồi trong nhà cách kênh chừng 30 m tôi còn ngửi được mùi hôi nồng nặc. Khi đó không ai dám nghĩ một ngày được tản bộ dọc con kênh sạch đẹp thế này”, bà kể về thời điểm dòng kênh ô nhiễm nặng.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi hoàn thành cải tạo. Ảnh: Quỳnh Trần.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sau khi hoàn thành cải tạo. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhiều năm gắn bó nơi đây, bà Điệp tường tận từng giai đoạn thay đổi của con kênh nổi tiếng Sài Gòn. Thời thơ ấu, khi nước trong xanh, bà cùng bạn bè thường tắm, bắt cá dưới dòng kênh vào buổi xế chiều. Khi đó, nước dưới kênh trong veo, có thể thấy từng đàn cá bơi tung tăng. Người dân chèo ghe bán rau, thịt tấp nập. Có người còn múc nước vào lu chờ lắng phèn để sử dụng.

Sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân tới đây dựng nhà đã lấn chiếm hai bên bờ kênh. Không có hệ thống cống, toàn bộ nước sinh hoạt và rác thải xả thẳng xuống khiến kênh ngày càng ô nhiễm. “Nhiều gia đình có con nhỏ sống ven kênh bị bệnh đường ruột liên miên nên dần dời nhà đi. Những hộ nghèo phải ở lại chịu đựng”, bà Điệp nói.

Cách đó khoảng 3 km, bà Lý Hồng Đào, 51 tuổi, sống ở con hẻm sát cầu Trần Khánh Dư, quận Phú Nhuận, nhớ như in thời kỳ kênh Nhiêu Lộc “bị lấn chiếm vô tội vạ”. Lúc đầu người dân làm nhà sát mé kênh nhưng dần dà cơi nới, đóng cọc gỗ, lợp tôn thành nhà tạm. Nhiều hộ còn nuôi heo, gà, vịt, chất thải đều tống xuống nước. Dòng kênh trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối.

Nhiều xưởng dệt, nhuộm vải còn thải đủ thứ phẩm màu ra kênh. Nước bẩn, tù đọng khiến ruồi, muỗi, chuột nhanh chóng sinh sôi, phát sinh dịch bệnh. “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ một ngày dòng kênh trong xanh, tươi mát như bây giờ”, bà Đào nói.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 9 km, chảy qua quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Những năm 1990, chính quyền TP HCM lên kế hoạch cải tạo nhưng khó khăn về vốn nên chưa thể thực hiện. Đến năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, góp phần hồi sinh dòng kênh.

Nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tháng 9/2011. Ảnh: Hữu Công.

Hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người được di dời để thực hiện dự án trọng điểm. Công trình gồm 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên khởi công tháng 3/2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5-3m) dài 8,9 km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tiếp đó 70 km ống cống các loại được lắp đặt để thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao.

Một trạm bơm lớn nhất nước ở thời điểm này với công suất 64.000 m3 mỗi giờ được xây dựng ở số 10, đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nước ở kênh, nước mưa và nước thải từ các hộ dân trong lưu vực được kết nối vào tuyến cống bao đưa về trạm xử lý, rồi bơm ra sông Sài Gòn. Dự án cũng nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000 m cừ bêtông kè hai bên bờ.

Để chỉnh trang cảnh quan dọc tuyến, năm 2011 thành phố đầu tư hơn 550 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) dài khoảng 15 km. Việc cải tạo kênh đã giúp giảm ngập, ô nhiễm, nâng cao môi trường sống cho 1,2 triệu dân các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Tiếp nối dự án hồi sinh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một loạt kênh đen, ô nhiễm khác ở TP HCM đã được cải tạo, chỉnh trang như Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Kênh Tẻ… Trong đó, dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm (gần 9 km chảy qua 4 quận Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6) có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng được đưa vào sử dụng tháng 4/2015, sau ba năm thi công.

Để triển khai dự án, hơn 1.500 hộ dân phải di dời. Toàn công trình sử dụng gần 10.000 tấn thép, 750.000 m3 đất đào đắp và 127.000 m3 bêtông; hơn 2.500 m cống hộp; 11,5 km đường dọc kênh, 12 cây cầu… Gần 330 kỹ sư, 1.000 công nhân suốt 3 năm miệt mài để hoàn thành các gói thầu dự án.

Kênh Tân Hoá – Lò Gốm sau khi được cải tạo, chỉnh trang. Ảnh: Quỳnh Trần.

“Dự án Tân Hoá – Lò Gốm mang lại lợi ích cho hơn 1,3 triệu người thông qua việc cải thiện điều kiện môi trường và đời sống, giảm tình trạng ngập lụt…”, bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.

Tại kỳ họp hôm 22/4, HĐND thành phố đồng ý chủ trương làm dự án xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên dài 33 km, tổng vốn 8.200 tỷ đồng. Một dự án khác là cải tạo rạch Xuyên Tâm dài hơn 8 km (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), tổng đầu tư 9.300 tỷ đồng được chính quyền thành phố đẩy nhanh để cải thiện môi trường và xây dựng đô thị.

“Việc nạo vét, chỉnh trang kênh rạch là giải pháp căn cơ, bền vững để cải tạo bộ mặt đô thị, xử lý dứt điểm tình trạng ngập, ô nhiễm trên địa bàn thành phố”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM nói và cho rằng để hồi sinh nhiều dòng kênh, thành phố cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm giảm gánh nặng ngân sách.

Ông Châu cũng đề nghị khi tiến hành dự án cải tạo, thành phố cần tính toán mở rộng biên giải tỏa hai bên kênh để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó thực hiện dự án. Ðồng thời, nguồn đất sạch hai bên bờ có thể xây các chung cư, làm nơi tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Hữu Công – Đình Văn
(Báo VnExpress)