Tên đường nào trùng nhiều nhất ở Sài Gòn?

0
386

1. Tên đường nào bị đặt trùng nhiều nhất ở Sài Gòn?

Một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển cho biết có 311 đường ở TP HCM với 132 tên trùng nhau, nhiều nhất ở TP Thủ Đức, Tân Phú.

Tên đường bị trùng nhiều nhất là Chu Văn An (ba đường ở quận 6, Tân Phú, TP Thủ Đức và hai đường ở quận Bình Thạnh) và Nguyễn Trường Tộ (ba đường ở quận Phú Nhuận, Tân Phú, quận 4 và hai đường ở TP Thủ Đức).

Tên đường Lê Lai, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Nguyễn Thái học, Trần Hưng Đạo cũng bị đặt trùng nhiều (mỗi tên được đặt cho 4 con đường).

Có trường hợp cùng một khu vực, hai đường gần nhau vẫn bị trùng tên. Ví dụ, ở quận Phú Nhuận, cùng một khu vực có đến hai con đường Hoa Lan giao với nhau mà nhiều người phải đặt biệt danh là Hoa Lan lớn và Hoa Lan bé để phân biệt. Trên địa bàn quận 3 cũng có ba con đường tên Trần Văn Đang nằm sát nhau. 

2. Đường phố Sài Gòn được đặt tên từ lúc nào?

Hệ thống tên đường ở Sài Gòn hình thành khá sớm, từ thời nhà Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn có khoảng 39 đường được đánh số.

Năm 1865, người Pháp ra quyết định đặt tên đường theo tên của những người có công trong việc thành lập thuộc địa mới hoặc truyền bá đạo Thiên chúa, văn hóa Pháp tại đây. 

Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập Ủy ban đổi tên đường. Các con đường do Pháp được đổi tên tiếng Việt, chỉ giữ lại một số con đường mang tên những người Pháp nổi tiếng như nhà bác học Pasteur, bác sĩ Calmette, Alexandre de Rhodes. Tên đường lúc này được đặt theo từng cụm, gồm các nhân vật hay sự kiện gần gũi về lịch sử.

Từ năm 1975, thành phố có hai lần đổi tên đường lớn. Lần 1 vào ngày 14/8/1975 với 51 con đường và lần 2 vào ngày 4/4/1985 với gần 100 con đường. Ngày 23/8/1995, Hội đồng đổi, đặt tên đường được thành lập, có chức năng tư vấn, tham mưu cho UBND thành phố trong việc đặt, đổi tên đường.

Đường Duy Tân trong bài hát Trả lại em yêu nay có tên là gì?

Trong bài hát Trả lại em yêu của nhạc sĩ Phạm Duy có nhắc đến con đường Duy Tân: “Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.Sau năm 1985, đường Duy Tân đổi tên thành đường Phạm Ngọc Thạch. 

Trước năm 1975, trên con đường này có trường Luật (nay là Đại học Kinh Tế TP HCM), sát đó là Đại học Kiến trúc. Cả hai trường đều có lưng kề với trụ sở Viện đại học Sài Gòn (nay là trụ sở Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn ra hồ Con Rùa). Là khu vực tập trung các trường đại học nên nơi đây một thời là nơi hẹn hò của sinh viên. 

4. Tên đường nào sau đây bị sai?

Nhóm nghiên cứu “Đề án công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP HCM – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”, đã khảo sát 1.300 con đường ở thành phố, phát hiện 38 đường bị đặt sai tên nhân vật lịch sử, danh nhân. 

Chẳng hạn, nhiều đường ghi tên Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân)…

Đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) cũng bị sai. Tên đúng của danh nhân này là Kha Vạng Cân, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy giấy tờ tùy thân có hình và tên của ông để chứng minh.

Kỹ sư Kha Vạng Cân (1908-1982) là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1975, ông giữ chức Trưởng ban Khoa học và Kỹ thuật TP HCM từ năm 1976 đến 1978.

Lệ Nguyễn (Tổng hợp) – Báo VNEXPRESS