Trong hai ngày 3 và 4 tháng 6 năm 2011, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Harvard-Yenching tổ chức hội thảo với chủ đề trên.
Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế có các đại biểu đến từ: Viện Hàn lâm khoa học Nga; Đại học Harvard, Hoa Kỳ; Đại học Metropole, Đan Mạch; Đại học Provence, Pháp; Đại học Trung Quốc ở Hongkong; Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản; Đại học Tân Cương, Trung Quốc. Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ: các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Hoa Sen…
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. TS. Nguyễn An Hà, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phụ nữ và giáo dục luôn là vấn đề hấp dẫn, chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Hơn một trăm năm trước, trên khắp các châu lục, có rất ít phụ nữ được đến trường. Ngày nay chúng ta thấy một điều khác hoàn toàn: phụ nữ đã chiếm lĩnh trường học từ bậc thấp đến bậc cao và hiện đang có xu hướng lấn át cả nam giới. Điều này làm thay đổi diện mạo xã hội ở cả phương Tây và phương Đông. Cùng với sự phát triển giáo dục cho phụ nữ, vai trò và vị thế của nữ giới cũng ngày càng được cải thiện. Hiện nay, trên thế giới phụ nữ đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực mà trước đây chỉ giành cho nam giới. Nhiều phụ nữ đang nắm giữ những vị trí quan trọng như thủ tướng, bộ trưởng…
Ở Việt Nam, người Việt có tục thờ Mẫu tức là thờ Mẹ, hình tượng người phụ nữ luôn được trân trọng, những gì quan trọng nhất đều gắn liền với khái niệm “mẹ”, “cái” như: “đất mẹ”, “sông cái”, “đường cái”… Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam tự hào có Bà Trưng, Bà Triệu; trong thời đại Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam được trao tặng những chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nhưng, trong lịch sử học vấn chỉ có một khoảng trống lớn giành cho phụ nữ, họ không được đến trường, không được đi thi nên họ không được ghi danh trong hệ thống khoa bảng mặc dù trí tuệ, tài năng của họ được dân gian ca ngợi và lưu truyền.
Ngày nay, tình hình đã hoàn toàn khác, phụ nữ Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các bậc học và hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng giúp người phụ nữ vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Trong giáo dục, dường như sự bình đẳng được thể hiện rất rõ và đây cũng là một thành tựu đáng ghi nhận về nỗ lực của phụ nữ trong cuộc đấu tranh bình quyền mang tính phổ biến.
Hội thảo được tiến hành trong 6 phiên với 18 tham luận đề cập tới những vấn đề cơ bản: Giáo dục cho phụ nữ và phong trào nữ quyền; Giáo dục cho phụ nữ và bình đẳng giới; Giáo dục cho phụ nữ và vấn đề tộc người, tôn giáo; Giáo dục cho phụ nữ và quá trình tham gia vào các hoạt động xã hội/chính trị của nữ giới; Từ giáo dục tại gia tới trường học – thay đổi trong phương thức và quá trình học tập của phụ nữ.Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu tham dự.
Nguyễn Thu Hà
(Theo http://www.vass.gov.vn)