Dấu ấn một con đường

0
2637

Đường Trương Ðịnh có lẽ chưa phải là con đường đẹp nhất, rộng nhất hoặc quan trọng nhất của TPHCM. Tuy nhiên, đây có thể là một trong những con đường tiêu biểu mang nhiều dấu ấn Sài Gòn ngày xưa, cũng như những kỷ niệm thân thương của tôi và gia đình. 


1. Ðường Trương Ðịnh đoạn bên quận 3 trước năm 1975 có tên Ðoàn Thị Ðiểm và trước 1954 là Larégnère, bên quận 1 là Trương Công Ðịnh – trước 1975 và Amiral Roze – trước 1954. Tuy chỉ dài hơn 2 km nhưng đường này lại có nhiều đoạn mang bản sắc riêng với dân cư có nếp sống khác nhau. Ða số người dân sống trên các đoạn đường này đều quen biết nhau, không ít thì nhiều. Tuy sống ở một đô thị lớn nhưng họ vẫn có cảm giác thân tình. Người ta gặp gỡ hằng ngày, chào hỏi nhau và con cái thường đi học chung trường.

Ðường Trương Ðịnh đoạn từ Lê Lai đến Nguyễn Du chủ yếu là nhà phố của các hộ buôn bán. Tuy không được quy hoạch bài bản và phần lớn nhà cửa xây dựng theo kiểu tự phát, nhấp nhô, lổm chổm nhưng đây là một khu phố sinh động cả ngày lẫn đêm, với nhiều dịch vụ thương mại trong nhà lẫn trên lề đường.

Ðoạn từ đường Nguyễn Du đến Võ Văn Tần có Công viên Tao Ðàn với các hàng cây dầu cao vút. Có dạo, công viên này đóng cửa không cho xe vào, chỉ dành cho người đi bộ. Sau đó, công viên được khai thông và đường Trương Ðịnh cắt ngang qua đây chuyển thành một chiều, đặt thêm các gờ giảm tốc an toàn. Nhờ đó, người đi tập thể dục ở công viên ngày càng đông, tạo nên một trung tâm cộng đồng xanh nho nhỏ, nơi mà nếu chạy vòng vòng buổi sáng thì thế nào ta cũng gặp vài người quen. 

Kế tiếp là đoạn từ đường Võ Văn Tần đến Kỳ Ðồng, nơi có nhiều nhà phố khang trang, tổ chức tốt hơn dành cho giới trung lưu trí thức. Ðây là một trong những đoạn đường biệt thự tiêu biểu thuộc khu trung tâm Sài Gòn, vừa được quy hoạch bài bản theo kiểu Pháp lại vừa khang trang và trồng nhiều cây ăn trái. Lúc trước, đoạn này chỉ có biệt thự. Sau năm 1975, nhiều CB-CNV được cấp nơi ở chung tại các căn biệt thự mà chủ đã đi nước ngoài. Dần dần, họ tự phân chia, cắt xén xây dựng thành các căn nhà phố rồi hợp thức hóa, chen chúc vào khu biệt thự cũ. Cho nên, tính đặc trưng cảnh quan Pháp của con đường biệt thự này hiện không còn rõ nét như vẫn còn thấy ở đường Tú Xương hay Ngô Thời Nhiệm.

Ngoài ra, đường Trương Ðịnh đoạn từ Kỳ Ðồng đến kênh Nhiêu Lộc mới được mở, gồm những nhà phố mới. Ðoạn này thay thế cho con đường nhỏ gồm các khu nhà lụp xụp trước kia và dần dà trở thành khu buôn bán ăn uống khá sầm uất, điều hành bởi những cư dân mới dọn đến.

2. Trước khi dọn về căn biệt thự Pháp cũ ở góc đường Trương Ðịnh – Hồ Xuân Hương, gia đình tôi từng sống một thời gian dài ở các lầu trên của căn biệt thự công tại góc đường Nguyễn Du – Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Căn biệt thự Pháp này nằm trong tổng thể 8 biệt thự của một đại gia xây dựng cho con cháu mình ở hai bên con hẻm tư nhân nối liền từ đường Ðoàn Thị Ðiểm ra Nguyễn Gia Thiều. Ông thiết kế công trình theo phong cách hiện đại, ứng dụng một số giải pháp kiến trúc và phong thủy để hóa giải các ảnh hưởng xấu từ đường Hồ Xuân Hương đâm vào.

Ðường Trương Ðịnh có nhiều công trình mang kiến trúc đặc trưng cho nhiều giai đoạn lịch sử của Sài Gòn – TPHCM. Nhà chúng tôi là một công trình với kết cấu xây dựng bê tông tô đá rửa tiêu biểu của kiến trúc thời kỳ đầu những năm 1970. Kiến trúc phong cách thời kỳ này còn có thể thấy ở trụ sở Văn phòng 2 Bộ Xây dựng tại góc đường Lý Chính Thắng, chung cư cao cấp ở góc đường Tú Xương và căn biệt thựgóc đường Ngô Thời Nhiệm.

Ở khu vực này, công trình kiến trúc Pháp cổ điển tiêu biểu có Trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long). Kiến trúc Pháp theo phong cách hiện đại hơn có Trường Colette toàn màu đỏ và quần thể chung cư cao cấp góc đường Nguyễn Du. Cao ốc chung cư góc đường Nguyễn Ðình Chiểu là một công trình khác biệt, đặc trưng cho kiến trúc “nhà thầu khoán” thời Mỹ chiếm đóng…

3. Tôi nhớ mãi gia đình mình được hàng xóm thăm hỏi, chào đón thân thiện thế nào khi mới dọn đến căn biệt thự ở góc đường Trương Ðịnh – Hồ Xuân Hương. Dần dần, chúng tôi xây dựng mối quan hệ thân tình với nhiều gia đình ở khu phố và có cảm giác như đang sống trong một cộng đồng nhỏ giữa một thành phố lớn.

Ngày nay, việc duy trì các mối quan hệ xóm giềng thân thiết như vậy dường như càng lúc càng khó khăn hơn, dù chúng tôi và có lẽ nhiều người vẫn mong muốn điều đó. Khu vực này ngày càng đông đúc, phức tạp và bận bịu hơn cùng với sự phát triển của một thành phố hiện đại, đông dân. Tình trạng kẹt xe vào giờ tan tầm bắt đầu xảy ra, điều chưa từng có ở đây. Gần như trẻ em không còn cắp sách đi bộ đến trường như trước mà chỉ thấy cha mẹ bận bịu đưa đón hằng ngày.

Nhiều cao ốc mới được xây dựng trên đường Trương Ðịnh; người ra vào, làm việc, ăn uống, mua sắm ngày càng đông nhưng cũng ít gắn bó với nhau hơn. Ngoài công việc, người ta dường như chỉ còn vừa đủ thời gian cho cuộc sống riêng của mình, ít quan tâm đến cộng đồng xung quanh như trước…

Khi quan sát những chuyện nhỏ rồi liên tưởng đến vấn đề lớn, chúng ta có thể thấy chất lượng sống tốt dường như dễ đạt được hơn với những cộng đồng dân cư nhỏ, trong một cơ cấu gồm các đô thị lớn nhỏ kết nối chặt chẽ với nhau thành một vùng đô thị TPHCM nhưng có bản sắc riêng cho từng khu. Ðó có lẽ là một trong những định hướng phát triển bền vững mà thành phố nên xem xét.

Một đô thị cực lớn với nhiều quận – huyện, dân số hàng chục triệu người và một phong cách sống chạy theo thời gian với bản sắc nhạt nhòa tuy có thể đem lại lợi ích về mặt nào đó nhưng người dân lại phải đánh đổi những giá trị sống mà đáng ra họ vẫn có thể tiếp tục được hưởng.

Ngô Viết Nam Sơn

(Theo http://blog.ngovietnamson.com/)